TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Biến tướng tục "trộm vợ" và thân phận phụ nữ vùng miền núi

Đài PT-TH Nghệ AnCập nhật 10:13 ngày 09/03/2018

VTV.vn - "Trộm vợ" là một tập tục văn hoá lâu đời của dân tộc Thái và Mông. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phong tục ấy đã bị một số đối tượng lợi dụng và biến tướng.

"Trộm vợ" được coi là một mỹ tục đầy tính nhân văn của đồng bào miền Tây Nghệ An. Nó chỉ được các đôi trai gái yêu nhau thực lòng vận dụng khi tình yêu bị cản trở vì khác biệt giai cấp, giàu nghèo. Trên hết là có sự đồng thuận của người con gái để bị trộm về nhà trai, và sau đó buộc nhà gái phải chấp nhận.

Không phải vùng sâu, biên giới, mà thật khó tin, ở một địa bàn như huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), hình thức trộm vợ biến tướng lại liên tục xảy ra. Có rất nhiều cô gái đã phải cam chịu khép lại những ước mơ để làm vợ, làm mẹ khi tuổi đời còn rất trẻ. Trường THPT Quỳ Hợp 3 ở ngay sát thị trấn Quỳ Hợp cứ mỗi dịp sau Tết lại có vài ba trường hợp học sinh phải bỏ học vì lý do này.

Đầu năm 2017, cũng tại huyện Quỳ Hợp, một cô gái cũng bị một nhóm thanh niên bắt về làm vợ khi đang trên đường vào Nam làm việc. Thậm chí một số địa phương, nhiều đối tượng thường nhắm em học sinh từ 13 -14 tuổi để "trộm vợ". Các trường THCS, THPT ở các huyện miền núi đã phải lắp camera theo dõi, buổi tối các thầy cô kiêm công việc bảo vệ để ngăn chặn tình trạng này. Theo quan điểm dân tộc Thái, người con gái khi đã được bắt về, dù có bỏ trốn thì đã mất duyên và bị coi như đã qua một đời chồng. Lợi dụng điều này, nhiếu đối tượng ép các cô gái về làm vợ, khiến tương lai của các em rơi vào ngõ cụt. Đây cũng là khó khăn nhất của các cấp chính quyền trong cuộc chiến chống lại "hủ tục".

Bản thân các em nếu có thoát khỏi hủ tục này, nhưng nguy cơ tiếp tục trở thành nạn nhân là rất cao, nếu như vẫn còn sự bỏ mặc, thờ ơ của chính những người thân. Bên cạnh đó sự vào cuộc cấp chính quyền và cơ quan pháp luật cũng cần phải quyết liệt hơn nữa, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục để những đối tượng xấu không lợi dụng phục vụ cho việc buôn người hay vi phạm pháp luật. Quan trọng hơn là để những người phụ nữ miền núi được bảo vệ và có quyền quyết định tương lai của chính mình.