Cách đây đúng 160 năm, với hàng chục chiến hạm hiện đại, Liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã nổ súng tấn công vào Đà Nẵng – mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Bằng những vũ khí khá thô sơ, quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã anh dũng đương đầu với một đội quân viễn chinh xâm lược nhà nghề đến từ các nước thực dân phương Tây. Trong cuộc chiến không cân sức đó, quân dân ta đã cầm chân và đẩy lùi liên minh quân sự hùng mạnh, buộc chúng phải tháo chạy khỏi chiến trường Đà Nẵng.
Hơn một thế kỷ rưỡi đã đi qua, những hiện vật còn lưu giữ tại Đà Nẵng có thể kể lại cho chúng ta nghe về cuộc chiến bi hùng dưới chân thành Điện Hải. Trong đó có tấm bản đồ chiến sự 1858 được trưng bày ở Bảo tàng Đà Nẵng. Theo nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú, quân đội triều đình, nhân dân địa phương hợp sức, bố trí lớp lớp các phòng tuyến đã ngăn được bước tiến của liên quân Pháp – Tây Ban Nha. Còn Thành Điện Hải được xem là tiền đồn trong cuộc kháng chiến chống lại liên quân Pháp – Tây Ban Nha. Tại đây, Vua Tự Đức cho trang bị 30 khẩu súng thần công mạnh nhất thời bấy giờ. Theo các nhà nghiên cứu, nhiều trận chiến oanh liệt đã diễn ra dưới chân ngôi thành này. 13 khẩu thần công đang được trưng bày tại thành Điện Hải là những vũ khí từng được quân dân triều đình nhà Nguyễn sử dụng trong cuộc chiến. Đây là những hiện vật lịch sử rất quý về cuộc chiến bi hùng diễn ra 160 năm trước.
Tại Đà Nẵng, ngoài thành Điện Hải được xếp hạng là di tích đặc biệt cấp quốc gia, hàng loạt di tích khác liên quan đến cuộc chiến chống Pháp 1858 cũng được trùng tu tôn tạo. Trong những ngày đến, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ cử đoàn công tác sang các bảo tàng của Pháp để tiếp tục sưu tầm các hiện vật về cuộc chiến bi tráng này.