Nhạc kịch là loại hình sân khấu trong đó kết hợp ca khúc, lời thoại, diễn xuất và nhảy múa. Nội dung và biểu cảm của nhạc kịch được thể hiện thông qua câu chữ, âm nhạc, động tác và các khía cạnh kỹ thuật sân khấu; tất cả hợp thành một thể thống nhất. Với nhạc kịch, khi nào cảm xúc quá mạnh khó nói nên lời thì bạn sẽ hát; khi nào cảm xúc quá mạnh khó hát nên lời thì bạn sẽ nhảy. Nếu như ở phương Tây, nhạc kịch là thể loại âm nhạc rất quen thuộc thì ở Việt Nam, nhạc kịch là loại hình nghệ thuật mới mẻ cần khám phá. Trong thời gian gần đây, nhạc kịch đã trở thành sân chơi khá sôi động trọng cộng đồng các bạn trẻ.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nhạc kịch có tác dụng rõ rệt trong việc phát triển và giúp các bạn học sinh có thành tích cao hơn trong học tập. Bên cạnh đó, nhạc kịch cũng như các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác còn giúp các bạn trẻ dám thử nghiệm, dám thất bại và vượt qua những giới hạn của bản thân mà giáo dục truyền thống không có được. Ngoài ra các em có cơ hội nâng cao khả năng thưởng thức nghệ thuật, kỹ năng giao tiếp, thể hiện bản thân, học cách đồng cảm và chia sẻ với người khác khi tham gia biểu diễn nhạc kịch.
Một số các vở nhạc kịch do các em học sinh lên ý tưởng, biên đạo, dàn dựng và trình diễn tạo ấn tượng cho cộng đồng trong thời gian gần đây tại các sân khấu Nhà hát Lớn, Nhà hát Tuổi trẻ như vở nhạc kịch "Nhật thực" của nhóm 200 học sinh trường Hà Nội - Amsterdam, vở "Viên đạn cho Valentine" do nhóm Fragments, liên quân học sinh, sinh viên từ nhiều trường: Hà Nội Amsterdam, Chuyên ngoại ngữ, Trường quốc tế Singapore, trường quốc tế Liên hợp quốc Hà Nội… cùng nhau thực hiện. Gần đây nhất có vở nhạc kịch "Mamma Mia" lần đầu tiên được trình diễn tại Hà Nội với sự dàn dựng và biểu diễn bởi các bạn học sinh của Trường phổ thông liên cấp Olympia tại Phòng Hòa nhạc lớn – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Các bạn trẻ trong nhóm đạo diễn, dàn dựng vở nhạc kịch Khúc Thuỵ Du
Hầu hết những bạn trẻ đến với âm nhạc và nghệ thuật đều là những bạn học sinh có tính sáng tạo và luôn mong muốn khám phá những điều mới lạ. Vậy tại sao các bạn lại tìm đến với nhạc kịch. Hình thức nhạc kịch có những thuận lợi và khó khăn như thế nào đối với một tập thể sáng tạo và một đạo diễn vẫn còn là học sinh? Việc casting diễn viên diễn ra như thế nào? Rất nhiều câu hỏi sẽ được giải đáp xoay quanh sân chơi sáng tạo mới lạ và hấp dẫn nhạc kịch trong Điểm hẹn 10h sáng nay trên fanpage của VTV6 với bạn trẻ Phạm Lê Giang - đạo diễn của vở nhạc kịch Khúc Thuỵ Du do các bạn học sinh trường THPT Chu Văn An và một số các trường trung học khác trên địa bàn TP. Hà Nội cùng tập hợp và thực hiện. Buổi công diễn vở nhạc kịch Khúc Thuỵ Du sẽ diễn ra vào ngày 27/7 tới đây tại Nhà hát tuổi trẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!