Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền của Việt Nam đã xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ X tập trung ở vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Có nhiều nghiên cứu cho rằng đất tổ của Chèo chính là Ninh Bình, người sáng lập ra Chèo là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca tài ba trong hoàng cung nhà Đinh của đất Kinh đô Hoa Lư xưa. Các loại nhạc cụ thường sử dụng trong Chèo bao gồm đàn nguyệt, đàn nhị, đàn bầu, sáo, chũm choẹ và đặc biệt là phải có trống với đủ các loại trống cái, trống con, trống cơm, thanh la, mõ... Với đặc trưng là loại hình nghệ thuật tổng hợp nhuần nhuyễn các yếu tố: hát, múa, nhạc, kịch, Chèo rất gần gũi và có một sức sống bền bỉ trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Nội dung các vở chèo thường miêu tả cuộc sống bình dị của người dân nông thôn, ca ngợi những phẩm chất cao cả của con người, đề cao cái thiện, đả kích cái ác và những thói hư tật xấu của con người.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thời đại, Chèo cũng như các loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền khác của dân tộc đang dần bị mai một. Các bạn trẻ hiện đại có quá nhiều sự lựa chọn về các loại hình nghệ thuật mới. Nhưng trong dòng chảy đan xen các yếu tố mới cũ, cổ truyền và đương đại đó vẫn có những người trẻ vẫn âm thầm giữ lửa Chèo bằng các hoạt động cụ thể và có tính lan toả tới cộng đồng. Dự án Chèo 48H "Tôi Chèo Về Quê Hương" là một điển hình về những người trẻ mê Chèo, mê các loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền của dân tộc.
Được thành lập từ năm 2014, Dự án Chèo 48H khởi động với lớp học Chèo gồm 30 bạn học viên tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh dưới sự hướng dẫn tận tình của Thạc sĩ - Đạo diễn Lê Tuấn Cường của Nhà hát Chèo Việt Nam. Sau 5 năm phát triển, nhóm dự án đã thu hút được ngày càng nhiều học viên đến với các lớp học. Họ là những người có độ tuổi, ngành nghề, lĩnh vực khác nhau nhưng đều có niềm yêu thích đối với Chèo. Có thể nói, Dự án Chèo 48h đã tạo ra sức ảnh hưởng nhất định, góp phần đưa Chèo cùng các loại hình nghệ thuật dân gian khác như Chầu văn, hát Xẩm... đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ - những người trong tương lai sẽ trực tiếp bảo vệ những cái gọi là truyền thống của dân tộc.
Nếu bạn quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy các loại hình nghệ thuật nghệ thuật cổ truyền của dân tộc hoặc đơn giản bạn tò mò muốn biết vì sao vẫn có những bạn trẻ mê chiếu Chèo đến thế thì háy theo dõi Điểm hẹn 10h hôm nay (26/2) trên fanpage của VTV6 nhé! Biết đâu bạn sẽ quyết định tham gia nhóm Dự án Chèo 48H để mang Chèo đến gần người trẻ hơn!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!