Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, vấn đề sử dụng ma túy, lạm dụng ma túy hiện đang có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, người nghiện đa số là thanh niên, đang ở độ tuổi là lực lượng lao động chính trong xã hội. Mỗi năm có đến 1600 người tử vong vì "cái chết trắng", số lượng người tái nghiện lên tới 70 – 80%, hồi chuông cảnh báo về vấn nạn này vang lên chưa bao giờ dứt. Một điều đáng quan tâm là định kiến của xã hội đối với người nghiện đang làm mất đi không ít cơ hội giúp người nghiện có thể tái hoà nhập cộng đồng thành công.
Hai vợ chồng anh Lê Trung Tấn - chị Đinh Thị Lê
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nghèo có 7 anh chị em, anh Lê Trung Tấn ở Dốc Võng, Sơn Cẩm, Phú Lương, Thái Nguyên sớm theo chân những người làm vàng và bị nghiện thuốc phiện từ những năm 90. Để dứt bỏ khỏi "bão trắng", anh Tấn phải tạm rời xa quê hương, dạt vào Đắk Lắk làm thuê. Chính nơi đây anh đã gặp được người con gái của cuộc đời mình, chị Đinh Thị Lê. Bỏ qua mọi định kiến về một người đã từng mắc nghiện, chị Lê quyết tâm theo anh về đất Bắc xây dựng gia đình. Nhưng khi vợ có bầu đứa con đầu lòng được 8 tháng, anh Tấn lại "ngựa quen đường cũ" và phải vào trại cai nghiện thêm một lần nữa. Chị Lê phải lặn lội quay lại Nam sinh con rồi nuôi con một mình. Đến khi anh Tấn được xã thông báo anh nằm trng danh sách được uống methadone điều trị cai nghiện, chị Lê mới ra Bắc cùng anh tu chí làm ăn. "Tôi trở về bế con nhưng nó không theo vì tưởng người lạ. Muốn đầu tư làm ăn cũng không ai dám cho vay, làm gì có ai tin thằng nghiện. Thực sự vô cùng tủi nhục. Ngay lúc ấy mình phải nhìn nhận lại bản thân và làm lại cuộc đời", anh Tấn chia sẻ.
Anh Lê Trung Tấn hướng dẫn mọi người làm các động tác chống sốc thuốc cho người nghiện
Năm 2015, ở địa phương anh có rất nhiều người sốc ma túy. Sau khi tham gia tập huấn cứu sốc do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng tổ chức, anh về kết nối những anh em tin cậy, thành lập nhóm cứu sốc gồm 6 thành viên. Do nắm được hết các địa điểm tập trung người nghiện, Tấn cùng nhóm của mình đến tận nơi, để lại số điện thoại và tờ rơi, gửi cho cả công an xóm, xã, trạm y tế thôn... để khi có nạn nhân sốc thuốc có thể gọi ngay cho nhóm chống sốc 24/24. Lúc đầu, anh Tấn cũng ái ngại, tự ti với con mắt mọi người nhìn mình. Nhưng sau nhiều lần đến nói chuyện với mọi người, anh cảm thấy đây là việc làm không chỉ tốt cho chính mình mà còn tốt cho xã hội nữa nên anh Tấn quyết tâm gây dựng nhóm CLB Thành Công - Phú Lương để cứu sống những người nghiện bị sốc thuốc trên địa bàn Thái Nguyen . "Thế nhưng, thuyết phục người nghiện hoàn lương đối với tôi không khó bằng thuyết phục người đời tin mình. Nhiều người họ xì xào"Bọn này lại tụ tập hút chích rồi", anh Tấn chia sẻ thêm. Mặc dù vậy, anh vẫn kiên trì đeo đuổi công việc của một "hiệp sĩ chống sốc ma tuý".
Từ 2018 đến nay, CLB Thành Công – Phú Lương do anh Lê Trung Tấn làm trưởng nhóm đã cứu sống thành công 65 trường hợp người nghiện bị sốc thuốc tại Thái Nguyên.
Qua trải nghiệm bản thân, anh Tấn thấy rằng người nghiện muốn làm lại cuộc đời thì phải vượt qua được cơn sốc thuốc, phải sống đã thì mới có cơ hội sửa sai để sống có ích cho gia đình và xã hội. Mỗi một lần thành công cứu được một người sốc nghiện, nguồn động viên cho nhóm anh Tấn là cái bắt tay của người mẹ già, là giọt nước mắt mừng vui của người vợ khi chồng mình còn sống, là lời hứa tu chí làm lại cuộc đời của những người vừa cận kề cái chết. Bây giờ với anh Tấn, "Chết thì dễ lắm, sướng lắm, thoát được cái địa ngục trần gian này. Nhưng tôi phải sống, và cả những người khác cũng phải sống, sống mới có cơ hội làm lại, sống mới trả hết được mối nợ cho gia đình và xã hội."
Đón xem Dám sống "Hiệp sĩ chống sốc Lê Trung Tấn" phát sóng 7h30 sáng thứ 7 (28/9) trên VTV1 để cùng nghe những câu chuyện lội ngược dòng của những con người dám sống, dám lựa chọn và dám đương đầu với mọi thử thách của cuộc đời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!