Sau một series các chủ đề "Vì một Việt Nam cất cánh" như "Biến không thể thành có thể", "Cứ đi rồi sẽ đến", "Hạnh phúc", ê kip biên tập của chương trình Cất cánh đã quyết định "Lựa chọn" là chủ đề tiếp theo của chương trình trong tháng 4. Hai khách mời đầu tiên của Cất cánh tháng tư đã được Ban biên tập bật mí là Nguyễn Tiến Cường - người sáng lập thương hiệu "Vua dép lốp Phạm Quang Xuân" và Lê Đình Hiếu - Top 30 người dưới 30 tuổi được Forbes bình chọn năm 2016
Nguyễn Tiến Cường - người sáng lập và điều hành thương hiệu "Vua dép lốp Phạm Quang Xuân" là người ám ảnh với những đôi dép cao su bắt đầu từ khi anh trở thành con rể của "Vua dép lốp Phạm Quang Xuân". Cụ Phạm Quang Xuân - bố vợ anh Cường - chính là nghệ nhân đã có hơn 50 năm gắn bó với việc tái tạo đôi dép Bác Hồ sử dụng trong những năm kháng chiến hiện đang được lưu giữ trong Bảo tàng Hồ Chí Minh. Sau 3 năm được bố vợ truyền nghề và trực tiếp học làm thợ từ khâu phá lốp, quay tay khoanh đế cho đến xâu quai, Nguyễn Tiến Cường biệt danh "Cường phò mã" đã tự tin từ bỏ công việc làm chuyên gia phần mềm ở công ty lớn với mức lương cao để chính thức sáng lập và điều hành thương hiệu "Vua dép lốp Phạm Quang Xuân". Với thế mạnh là chuyên gia công nghệ, Tiến Cường đã xây dựng hệ thống trang web giới thiệu và bán sản phẩm dép cao su khá bài bản và chuyên nghiệp. Với 25 thợ lành nghề tâm huyết, hàng vạn đôi dép cao su đã được Nguyễn Tiến Cường xuất khẩu đi hơn 60 nước trên thế giới . Dép cao su của "Vua dép lốp" có mặt tại hầu hết các khu du lịch biển Việt Nam. Điều khó khăn nhất khi Nguyễn Tiến Cường quyết tâm từ bỏ công việc lương cao hàng ngàn USD/tháng để lựa chọn theo nghề làm dép cao su là gì? Nếu anh ấy là người thích thử thách thì đây có phải là điểm dừng cho các sự lựa chọn của "Phò Mã Vua Dép Lốp" Nguyễn Tiến Cường? Chúng ta sẽ cùng chờ đợi bài nói của Nguyễn Tiến Cường trong vai trò khách mời/diễn giả của Cất cánh tháng 4 với chủ đề "Lựa chọn".
Khách mời thứ 2 của Cất cánh tháng 4 là CEO Lê Đình Hiếu, người sáng lập Học viện G.A.P (Học viện Rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới). Tốt nghiệp thủ khoa Kinh tế một trường đại học danh tiếng hàng đầu của Mỹ, được giữ lại giảng dạy và làm việc ở tập đoàn tài chính ING (một trong 10 tập đoàn lớn nhất thế giới), với mức lương hàng ngàn USDnhưng Lê Đình Hiếu lại chọn con đường trở về Việt Nam để dạy tin học và tiếng Anh miễn phí cho người khiếm thính. Hiếu đã được Forbes vinh danh trong danh sách 30 người trẻ dưới 30 tuổi nổi bật nhất năm 2016.
Đình Hiếu sinh ra và lớn ở TP.HCM. Năm Hiếu học cấp hai, mẹ anh bị điếc và nghỉ việc cơ quan. Năm Đình Hiếu học lớp 9, mẹ anh điếc hoàn toàn. Kể từ đó, thế giới của bà không còn bất kỳ âm thanh kỳ diệu nào của cuộc sống này. Từ ngày biết mẹ bị điếc, Đình Hiếu tìm hiểu và tham gia sinh hoạt tại cộng đồng người khiếm thính TP HCM. Anh bắt đầu học ngôn ngữ ký hiệu, đồng thời tìm hiểu các câu chuyện của người khiếm thính. Năm 2011, sau khi nhận học bổng du học và tốt nghiệp thủ khoa Kinh tế Đại học UCLA, một trong những trường hàng đầu tại Mỹ, Lê Đình Hiếu quyết định từ chối mọi cơ hội ở lại làm việc và sinh sống tại Mỹ để trở về theo đuổi con đường giáo dục, dù tương lai đang rộng mở. Cũng như "Vua dép lốp" Nguyễn Tiến Cường, CEO Lê Đình Hiếu khá chủ động trong việc lựa chọn thử thách để bắt đầu con đường riêng của bản thân mình. Đâu là những giá trị mà Hiếu hướng đến trong cuộc sống khi đi theo những lựa chọn không hề dễ dàng? Tại sao ngày càng có nhiều người trẻ lựa chọn thử thách để bắt đầu con đường đi của riêng mình? Đón xem Cất cánh với chủ đề "Lựa chọn" được truyền hình trực tiếp vào lúc 20h10 ngày 20/4 trên VTV1 và cùng chia sẻ với các khách mời câu chuyện của họ, bạn sẽ tìm được câu trả lời cho chính mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!