Với mục tiêu cải thiện chất lượng du lịch và nâng cao thu nhập của người dân, anh Yuya Ishikawa, một tình nguyện viên người Nhật đã tới Việt Nam và hỗ trợ làm nhãn mác cho một số gia đình làm tương tại Làng cổ Đường Lâm từ tháng 7/2014. Hoạt động chính của anh là hỗ trợ thiết kế, dán nhãn mác cho sản phẩm, từ đó tạo độ tin cậy cho các sản phẩm truyền thống tại đây.
"Ban đầu, mục tiêu của dự án này là giúp sản phẩm tương được biết đến nhiều hơn nữa, không chỉ ở Hà Nội. Mặc dù tôi chỉ làm tình nguyện viên tại đây có 9 tháng, nhưng tôi hy vọng bác Thể có thể tự mình từng bước nâng cao thu nhập và đạt được mục tiêu đặt ra", anh Yuya Ishikawa cho biết.
Còn anh Masaya Nakamura lại dành thời gian 2 năm cho hoạt động tình nguyện tại Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật Thụy An, Hà Nội. Với kinh nghiệm 6 năm về giáo dục trẻ tự kỷ tại Nhật Bản, Masaya không chỉ giúp đỡ trẻ tự kỷ phát triển khả năng ngôn ngữ và vận động, mà còn hướng dẫn phương pháp giảng dạy cho các giáo viên ở trung tâm.
Masaya Nakamura nói: "Tôi hy vọng, với sức lực nhỏ bé của mình, tôi có thể giúp các em trưởng thành, giúp các giáo viên nâng cao trình độ để có thể hướng dẫn các em trên lớp một cách hiệu quả".
Ishikawa và Nakamura chỉ là hai trong rất nhiều tình nguyện viên Nhật Bản hiện đang làm việc tại Việt Nam theo chương trình phái cử tình nguyện viên của JICA. Được triển khai từ năm 1995, chương trình này đã mở rộng trên nhiều lĩnh vực và có nhiều đóng góp trong việc phát triển con người và giải quyết các vấn đề xã hội ở Việt Nam.
Ông Mutsuya Mori, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho biết: “Hiện nay tình nguyện viên của chúng tôi đã có mặt tại 50 tỉnh thành trên cả nước. Lĩnh vực tình nguyện viên tham gia rất phong phú như y tế, phát triển địa phương, giáo dục, hỗ trợ người khuyết tật, hỗ trợ công nghiệp phụ trợ…
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!