Các loại vật liệu nổ được trưng bày tại Bảo tàng Công binh.
Các thiết bị rà phá vật liệu trên cạn, máy dò bom dưới nước, thiết bị cơ động do Việt Nam chế tạo để hủy đốt các loại bom bi, kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm rà phá bom mìn của Việt Nam… đã được đại diện Trung tâm hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) trao đổi với các học viên quốc tế của khóa tập huấn quốc tế với chủ đề “Quản lý cấp cao về khắc phục hậu quả bom mìn”. Kỹ thuật xử lý vật liệu chưa nổ của Việt Nam - cắt bom tại chỗ bằng hạt mài và tia nước - đã được nhiều học viên quan tâm.
Ông Ananda Chandrasiri Atapattu Mudiyanselage, Giám đốc Tổ chức Delvon hỗ trợ sự cân bằng xã hội (DASH) - Sri Lanka, nói: “Chúng tôi đã có được nhiều kinh nghiệm từ những bài trình bày và tranh luận ngày hôm nay. Tôi cũng thấy những khó khăn trong việc rà phá bom mìn và chúng ta đều cần phải có những dụng cụ rà phá mới hiệu quả hơn. Với những vấn đề về vật liệu nổ, các bạn gặp phải nhiều khó khăn hơn chúng tôi. Tôi cũng được biết về những dụng cụ hay cách thức phá bom của các bạn. Cách thức mà các bạn dùng đều rất hiệu quả để xử lý bom mìn và vật liệu nổ”.
Việt Nam là một quốc gia được đánh giá bị ô nhiễm nặng bởi bom mìn, vật nổ, với diện tích ô nhiễm chiếm tới 21% tổng diện tích cả nước.
Đặc điểm địa hình và thời tiết phức tạp như dốc đứng, thường xuyên bị lũ quét… khiến cho công tác rà phá bom mìn ngày càng gặp nhiều trở ngại. Đây cũng là những điều được các học viên đến từ nhiều quốc gia bị ô nhiễm bom mìn chia sẻ.
Ông Visavesa Chuaysiri, cán bộ Quỹ hỗ trợ nhân dân Na Uy về giảm trừ quân bị (NPA) tại Thái Lan, phân tích: “Chúng ta đều gặp khó khăn tương tự trong vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn. Ở Việt Nam hay Lào, Campuchia, Thái Lan… đều đối mặt với những khó khăn về mặt địa lý cũng như thời tiết. Một điều nữa, đó là tôi rất quan tâm về các thiết bị, dụng cụ rà phá bom mìn trong bài phát biểu của các bạn. Tôi làm việc tại Tổ chức NPA Thái Lan, cũng sử dụng những dụng cụ như các bạn để dò tìm bom, mìn nên tôi cũng phải đối mặt với những khó khăn khi dùng các dụng cụ đó giống các bạn, đặc biệt khi sử dụng ở những vùng đất nhiễm từ tính cao”.
Khóa tập huấn “Quản lý cấp cao khắc phục hậu quả bom mìn” là thành quả hợp tác của Trung tâm Quốc tế về Ổn định và Hồi phục thuộc Đại học James Madison của Mỹ, Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF), Hiệp hội vì sự phát triển của Người khuyết tật (AEPD) và Chính phủ Việt Nam.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!