Đại tá Lê Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu Cảnh sát Bộ Công an Việt Nam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 29/3, tại thành phố Đà Nẵng, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội phối hợp với Chương trình hành động của Liên Hợp Quốc về hợp tác chống nạn buôn bán người tổ chức Hội nghị "Tìm kiếm cơ hội hợp tác trong phòng chống buôn bán người và nô lệ thời hiện đại". Tham dự hội nghị có gần 100 đại biểu đến từ các bộ và cơ quan Chính phủ Việt Nam; các tổ chức phi Chính phủ, liên Chính phủ và quốc tế; đại diện các phái đoàn ngoại giao.
Tại hội nghị, ông Dave Pennant, cán bộ cao cấp Đặc trách Việt Nam, Bộ Nội vụ Anh cho biết: Đại sứ quán Anh đã và đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Công an và Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Việt Nam trong việc triệt phá tội phạm, truy tố những kẻ phạm tội, hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Ông Dave Pennant đánh giá cao nỗ lực của các bên trong những năm qua về việc triệt phá tội phạm, hy vọng tiếp tục phát triển, nâng cao quan hệ hợp tác với các bên trong lĩnh vực này. Chính phủ Anh mong muốn có cơ hội làm việc với Chính phủ Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nhằm xóa bỏ tận gốc loại tội phạm này.
Thiếu tá Phạm Mai Hiên, Phó Trưởng phòng, Cục Tham mưu Cảnh sát, Bộ Công an Việt Nam cho biết, từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã khám phá trên 2.000 vụ, 3.200 đối tượng, lừa bán gần 4.000 nạn nhân (trên 80% các vụ ra nước ngoài). Nguyên nhân của nạn mua bán người do tình hình khu vực tác động mất cân bằng giới tính và tình trạng thiếu lao động phổ thông ở một số nước có đường biên giới chung với Việt Nam... Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước TOC (Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia) và Nghị định thư về ngăn ngừa, trấn áp, trừng trị tội phạm mua bán người; tham gia Công ước và Chương trình hành động ASEAN về phòng chống mua bán người. Đồng thời, Việt Nam cũng đã xây dựng Đề án "Truyền thông về phòng chống mua bán người"; xây dựng chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng; lập đường dây nóng về phòng chống mua bán người.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe, thảo luận nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến nạn buôn bán người và cách phòng chống.
Chương trình hành động của Liên hợp quốc về hợp tác chống nạn buôn bán người được thành lập năm 2014. Chương trình được xây dựng dựa trên những hoạt động trước đây được Liên minh phòng chống buôn bán người Liên Hợp Quốc thực hiện từ năm 2004, nhằm đảm bảo một sự tiếp cận có điều phối, chiến lược và hiệu quả hơn trong việc chống lại nạn buôn bán người ở các nước trong khu vực tiểu vùng sông Me Kong mở rộng.