Các đại biểu tham gia hội thảo Quyền bình đẳng của người khuyết tật.
Nếu như trước đây, những chương trình truyền hình tại Israel không có phụ đề khiến người khiếm thính khó theo dõi và thấy lạc lõng thì hiện tại, các chương trình đã có phụ đề, kể cả khi phát sóng trực tiếp.
Người khuyết tật tại Israel đã có một lối lên xe buýt riêng và được hỗ trợ trong suốt hành trình. Đây là một trong những nỗ lực hiện thực hóa quyền tiếp cận thông tin và quyền tiếp cận các cơ sở hạ tầng mà cộng đồng người khuyết tật tại đất nước này đã thực hiện.
Ông Ahiya Kamara - Chủ nhiệm Ủy ban về các quyền bình đẳng của người khuyết tật Israel chia sẻ: “Chúng ta cần thay đổi quan điểm thông thường rằng, người khuyết tật không thể làm được gì. Người khuyết tật là một phần của xã hội và cần được đối xử công bằng. Chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục, đưa họ tới trường bình thường. Chúng tôi đồng thời thuyết phục Nhà nước tạo thêm công ăn việc làm cho người khuyết tật và cả nhà ở cho họ. Chúng tôi mong họ có thể tham gia vào thị trường rộng mở, được sống hòa nhập với cộng đồng. Họ có thể độc lập, tự ra ngoài và trải nghiệm các hoạt động như bao người bình thường khác”.
Theo thống kê, 16% (tương đương khoảng hơn 878.000 người) trong độ tuổi lao động tại Israel là người khuyết tật. Còn tại Việt Nam, số lượng người khuyết tật hiện nay là hơn 6,7 triệu người, chiếm 7,8% dân số.
Bà Ritsu Nacken - Phó Đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho rằng: “Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng những kinh nghiệm từ Israel, trước mắt là thay đổi thái độ. Chúng ta cần tìm ra những biện pháp từ cả chính sách và cộng đồng để những người khuyết tật có thể được thực hiện những mong muốn đó. Nhìn vào công tác phúc lợi của Israel, có thể thấy đã từ rất lâu, quan điểm của họ là nếu như hành động một mình thì khó có thể thực hiện được. Cần có sự hợp tác với nhiều cơ quan khác nhau: Tổ chức phi chính phủ, Hội liên hiệp, các cá nhân. Mặc dù vẫn còn những thách thức trước mắt, nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm tới các bạn”.
Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật năm 2007 và thông qua Luật Người khuyết tật năm 2010, thể hiện nỗ lực cho mục tiêu bảo đảm quyền bình đẳng, giảm thiểu những rào cản hòa nhập và tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ của người khuyết tật.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!