Việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Tình hình xâm phạm sở hữu trí tuệ, sản xuất - buôn bán hàng giả ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) đặc biệt là TPP, vấn đề sở hữu trí tuệ nói chung và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói riêng trở thành yêu cầu mang tính bắt buộc. Nếu không ý thức thấu đáo điều này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nguy cơ ‘hụt’ một bước trong tiến trình hội nhập.
BMB là thương hiệu trong lĩnh vực cung cấp các thiết bị âm thanh tại Nhật Bản, tuy nhiên hiện nay, trên thị trường Việt Nam thương hiệu này đã bị một công ty khác xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với cách nhái y hệt tên gọi và chỉ dẫn địa lý của sản phẩm. Điều này không những ảnh hưởng đến uy tín của nhà sản xuất, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của chính người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phụ trách sau bán hàng công ty BMB Việt Nam, Chi nhánh miền Bắc cho biết: ‘Ngoài việc đưa thông tin trên web, thông tin đến các đại lý và các nhân viên kinh doanh về nhận diện hàng chính hãng, chúng tôi cũng có yêu cầu trợ giúp của các cơ quan Thanh tra Chính phủ về vấn đề sở hữu trí tuệ và cũng có một số thông tin về những đơn vị làm hàng giả, hàng nhái’.
Theo Thanh tra Bộ KH&CN, hai năm trở lại đây, ngành này đã xử lý hơn 32.000 vụ liên quan đến hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm bản quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý… tổng số tiền phạt lên đến 140 tỷ đồng. Điều đáng nói là, với mức độ xâm phạm ngày càng tinh vi hơn, công tác phát hiện và xử lý vẫn còn nhiều khó khăn.
Bước vào hội nhập sâu rộng, dù hàng rào thuế quan được dỡ bỏ nhưng hàng rào phi thuế quan, cụ thể là việc luật pháp các nước xử phạt rất nghiêm vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp. Điều này đòi hỏi nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải nắm rất vững quy định khi vào sân chơi, tránh tình trạng vi phạm và bị xử lý ngay trên sân nhà.
Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh nâng cao nhận thức cho người dân, sự chủ động bảo vệ thương hiệu từ phía doanh nghiệp; về mặt chính sách, Việt Nam cần nỗ lực xây dựng và hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ. Trên thực tế, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy và đầu tư cho hoạt động sáng tạo.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!