Sau 2 ngày làm việc, tối 22/1, Hội nghị cấp cao ASEAN và các Hội nghị liên quan đã bế mạc, đưa kỳ Hội nghị này thành một trong những dấu mốc lịch sử trong tiến trình hình thành và phát triển của ASEAN. Dù ngày thành lập Cộng đồng ASEAN đã được chính thức công bố và kể từ nay, trên 600 triệu người dân ASEAN sẽ có chung một cộng đồng, chung một vận mệnh, song ASEAN cũng đang phải đối mặt với thách thức là làm sao phát huy được vai trò và tiếng nói của mình trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và ổn định của khu vực.
Ngày 22/11/2015 đã trở thành một ngày lịch sử đối với 10 quốc gia Đông Nam Á khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà Lãnh đạo ASEAN ký vào Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN với 10 nước thành viên vào ngày 31/12 tới đây.
Khi đó, từ cơ chế hợp tác Hiệp hội với cơ sở pháp lý không mấy ràng buộc, kể từ ngày cuối cùng của năm nay, cơ chế hợp tác Cộng đồng sẽ đưa ASEAN trở thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn với cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN đã có từ năm 2007.
Một tiếng trống mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng 9 nhà Lãnh đạo ASEAN đánh trên 10 chiếc trống lấy nguyên mẫu từ 10 nước thành viên, chính là biểu tượng cho tinh thần Một ASEAN thống nhất trong đa dạng. Nếu không có ASEAN, 10 Quốc gia Đông Nam Á không thể đạt được các mục tiêu và thành công lớn lao như ngày hôm nay.
Đó cũng là khẳng định của Thủ tướng Malaysia Najib Razak tại Hội nghị. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng khi đã trở thành Cộng đồng, ASEAN phải làm nhiều hơn nữa, trong đó một trong các yếu tố tiên quyết là phải đảm bảo có được môi trường hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Nếu không ASEAN sẽ không thể đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Và trong hơn một năm trở lại đây, ASEAN đã đoàn kết để có tiếng nói mạnh mẽ hơn trước việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các đảo, các bãi đá cũng như các hoạt động đơn phương khác ở Biển Đông đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, và có thể dẫn đến nguy cơ quân sự hóa và xung đột trên biển, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những diễn biến ngày càng phức tạp ở Biển Đông đang là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với khu vực hiện nay. Thách thức này cũng đã được Thủ tướng Malaysia nêu lên trước thời điểm hình thành Cộng đồng ASEAN.
Trong 2 ngày, vấn đề Biển Đông tiếp tục là chủ đề được lãnh đạo các nước đề cập nhiều nhất tại Hội nghị cấp cao ASEAN và hơn 10 Hội nghị cấp cao liên quan với các hầu hết các cường quốc trên thế giới là Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand.
Tại các Hội nghị, hầu hết các nước ASEAN và các bên đối thoại đều bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông và đều nhấn mạnh tới việc cần đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đồng thời cần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là không chỉ là lợi ích và trách nhiệm chung của ASEAN cũng như các nước trong và ngoài khu vực mà còn thể hiện uy tín và vai trò trung tâm của ASEAN. Thực tế tình hình này đòi hỏi ASEAN tiếp tục đoàn kết, thống nhất để kịp thời lên tiếng bày tỏ quan ngại chung về những diễn biến phức tạp và hành động đơn phương ở Biển Đông, cùng với những hệ lụy xấu và rất nguy hiểm của nó. Ủng hộ quan điểm của Việt Nam, các nước ASEAN cũng cho rằng cần tăng cường đoàn kết, thống nhất và trách nhiệm trong quá trình giải quyết những căng thẳng trên Biển Đông, tránh để Biển Đông trở thành nơi đối đầu, cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn.
Tại các Hội Nghị nhất là Hội nghị Cấp cao ASEAN, Cấp cao Đông Á và giữa ASEAN và các bên đối tác, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều mạnh mẽ yêu cầu không quân sự hóa Biển Đông đi cùng với việc ủng hộ ASEAN và Trung Quốc có cam kết không theo đuổi quân sự hóa ở Biển Đông để xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng và ngăn ngừa xung đột. Ủng hộ quan điểm này của Việt Nam và của ASEAN, các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc cùng với Malaysia, Singapore và Philippines đều yêu cầu không quân sự hóa các cấu trúc ở Biển Đông.
Tại Hội nghị cấp cao Đông Á, trong đó có Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Tổng thống Mỹ Obama còn đề nghị các nước cần hành động đi đôi với lời nói và cần dừng tôn tạo, dừng xây dựng và dừng quân sự hóa ở Biển Đông. Cùng với bước ngoặt lịch sử về thành lập Cộng đồng, qua Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này, vấn đề Biển Đông đã được nhiều nước nêu lên mạnh mẽ và cụ thể hơn nhiều kỳ Hội nghị trước. Điều này thể hiện rõ vài trò trung tâm và dẫn dắt của ASEAN đối với các vấn đề của khu vực và cho thấy trước thời điểm hình thành Cộng đồng, ASEAN đang thống nhất và trở nên mạnh mẽ, đoàn kết hơn.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN, cũng như các Hội nghị Cấp cao liên quan, nhất là Hội nghị Cấp cao Đông Á, tất cả các nước đều ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam về Biển Đông. Đây là thành công rất có ý nghĩa, vì trong Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao Đông Á, Trung Quốc cũng chấp nhận đưa vấn đề phi quân sự hóa Biển Đông vào trong tuyên bố.
Còn trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN 27, đã có gần 200 chữ về vấn đề Biển Đông, ngang bằng với Tuyên bố ở Hội nghị hồi tháng Tư vừa qua. Trong tuyên bố, các nhà Lãnh đạo đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và bảo đảm tự do hàng hải hàng không trên Biển Đông. Tuyên bố cũng khẳng định các nhà lãnh đạo chia sẻ quan ngại về sự gia tăng hiện diện của các cấu trúc quân sự và khả năng quân sự hóa các cấu trúc tiền đồn này trên Biển Đông. Do vậy, các nhà lãnh đạo đã kêu gọi các bên duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
ASEAN tiến vào bước ngoặt lịch sử trở thành Cộng đồng sau 48 năm hình thành và phát triển. Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội, Việt Nam luôn chủ động, có trách nhiệm và tích cực trong việc nâng cao hình ảnh và vai trò trung tâm của ASEAN trong suốt 20 năm qua. Điển hình là trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã mời Hoa Kỳ và Nga tham gia vào cơ chế Hội nghị cấp cao Đông Á.
Đây là quyết định chiến lược khi hai cường quốc của thế gới tham gia vào cơ chế đối thoại và tiến trình hợp tác của ASEAN. Và Việt Nam cũng luôn kiên trì, nhất quán, mạnh mẽ và liên tục nêu vấn đề Biển Đông tại các Hội nghị cấp cao của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các bên đối thoại, việc này không chỉ vì Việt Nam mà còn là để bảo đảm an ninh của cả khu vực và thế giới.
Ở thời điểm khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với một trong những thách thức an ninh nghiêm trọng nhất do những diễn biến ngày càng phức tạp ở Biển Đông thì cũng là lúc ASEAN cũng bước sang một trang mới, sức mạnh đã nâng lên nhưng thách thức, khó khăn vẫn còn. Tuy nhiên, nếu đoàn kết thì ASEAN sẽ mạnh mẽ vượt qua được những thách thức và khó khăn phía trước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.