Người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu luôn hướng tới một phẩm chất đoàn kết và đùm bọc. Tại một quốc gia miền núi nghèo xa xôi như Nepal, nơi các gia đình người Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay và cũng còn hạn chế khả năng kết nối với chính quyền, các chị em đã có địa chỉ đặc biệt để giữ sợi dây kết nối của người Việt.
Ngôi nhà chung với mục đích ban đầu là cưu mang những chị em Việt Nam khó khăn nhưng thực tế, những gì họ làm được đã vượt ngoài mong đợi với những nụ cười hạnh phúc, những câu hỏi thăm ko dứt bằng tiếng mẹ đẻ mà cả năm chưa có dịp nói và cả những cặp mắt xúc động. Vỏn vẹn 10 gia đình người Việt tại Nepal, có người vượt núi 2 ngày đường để mong được nhìn thấy người Việt và đoàn tụ.
Ngôi nhà chung mà mỗi năm cộng đồng người Việt lại bằng mọi giá tìm về là một quán Phở Việt gần ngoại ô thành phố Kathmandu của chị Kim Cương. Ra đời được 10 năm và cũng từng ấy thời gian, người Việt ít ỏi ở Nepal vun đắp vào đó tình cảm, sự đùm bọc để xây nên không gian chung gọi là gia đình.
5 năm trước, ngôi nhà chung ấy đã trở thành nơi cưu mang cho 140 nạn nhân Việt Nam và quốc tế mắc kẹt trong trận động đất lịch sử tại Nepal khiến gần 10.000 người thiệt mạng. Những chị em xa xứ, tìm được nhau đã là một duyên may. Cùng trải qua những biến cố lớn nhất tại quốc gia miền núi nghèo, giờ đây, dù có khó khăn gì nữa trong tương lai, họ cũng đã có một điểm tựa để vững tâm nơi đất khách.
Ngôi nhà chung tại Nepal suốt 10 năm qua đã phát huy đúng tinh thần của nó, là nơi để người Việt tìm đến và giúp đỡ nhau trong hoạn nạn. Sống ở một quốc gia còn nghèo và phần lớn chị em là các hoàn cảnh khó khăn nhưng nhóm người Việt lại được đánh giá là nhóm hoạt động từ thiện tích cực nhất tại Nepal. Với họ, đó là cái gốc của người Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!