Xẩm thập ân, Xẩm tàu điện, Xẩm nhà tơ… là những giai điệu truyền thống từng một thời đối diện nguy cơ thất truyền, nay lại vang lên trong Đêm nghệ thuật “Xẩm xuân 16” của nhóm Xẩm Hà Thành.
“Xẩm xuân 16” là hoạt động mở đầu của dự án “Tinh hoa nhạc Việt”, một trong những nỗ lực của nhóm Xẩm Hà Thành nhằm quảng bá hát Xẩm cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Cái tên “Xẩm xuân 16” không chỉ có nghĩa là hát Xẩm trong mùa xuân năm 2016, mà còn truyền tải ngụ ý về sức trẻ như tuổi 16 của nghệ thuật hát Xẩm thời hiện đại.
Ông Lương Tất Đạt, Khán giả nhận xét: “Đến chương trình hôm nay tôi thấy rất sung sướng vì âm nhạc dân tộc vẫn được duy trì, phát huy và sẽ ngày càng phát huy giá trị trong cộng đồng người Việt Nam”.
Hát Xẩm là một loại hình hát xướng dân gian từng rất phổ biến tại vùng đồng bằng Bắc bộ Việt Nam, loại hình nghệ thuật này ước chừng đã có hơn 700 năm lịch sử và từng đối diện nguy cơ thất truyền từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trong những năm gần đây, hát Xẩm bắt đầu được phục dựng và dần thu hút sự quan tâm của công chúng. Tuy nhiên, để hát Xẩm tiếp tục tồn tại lâu dài trong cộng đồng không phải là chuyện một sớm một chiều.
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Nhóm Xẩm Hà Thành cho rằng: “Điều kiện tiên quyết để Xẩm sống trong lòng mọi người đó là chúng ta bảo tồn nó, chúng ta có không gian diễn xướng cho Xẩm. Và tất nhiên là không thể thiếu kinh phí cho các nghệ sĩ, nghệ nhân tiếp tục tập luyện để bảo tồn loại hình nghệ thuật này”.
Để Xẩm đến gần hơn với công chúng đương đại, nhóm Xẩm Hà Thành đã thử nghiệm nhiều cách tân mới mẻ. Ngoài việc kết hợp Xẩm với các loại hình nghệ thuật hiện đại như hihop, beatbox, nhóm còn cho ra đời các tác phẩm mới mang hơi thở thời đại như “Xẩm Tiễu trừ cướp biển”, “Xẩm Trà đá” bàn chuyện thời sự, hay mới đây là “Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội” mừng xuân Bính Thân.
Nghệ sĩ Khương Cường, Nhóm Xẩm Hà Thành chia sẻ: “Về việc bảo tồn hát Xẩm, mình thấy rằng cần phải làm một cái gì đó cụ thể hơn để Xẩm có thể tiếp cận gần hơn với nhóm khán giả trẻ, nên mình đã đưa vào Xẩm những đề tài và cách thể hiện mới. Ngoài cách thể hiện làm sao giữ được phong cách Xẩm ngày xưa thì phải cho giới trẻ biết được tính sáng tạo của người Việt Nam trong văn hóa”.
Bảo tồn và phát huy một cách bền vững là vấn đề chung của các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát Xẩm. Những nỗ lực tìm tòi, cách tân để thu hút giới trẻ theo dõi và tham gia biểu diễn đang thực sự giúp cho loại hình nghệ thuật này tìm được chỗ đứng trong đời sống hiện đại.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!