Việt Nam đã tổ chức 5 cuộc thi sáng kiến phòng chống tham nhũng.
Được thực hiện từ năm 2009 với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, chương trình nhân rộng sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam đã thu hút sự tham gia của rất nhiều cơ quan, tổ chức ở khắp nơi trên cả nước, nhiều đề án đã được thực hiện hiệu quả, góp phần đáng kể vào việc tăng cường minh bạch, liêm chính, trách nhiệm giải trình ở địa phương. Với cách tiếp cận mới từ cơ sở, Chính phủ Việt Nam đã và đang thể hiện quyết tâm trong vấn đề phòng chống tham nhũng.
Đề án xây dựng mô hình cộng đồng tham gia vào quá trình lập kế hoạch xây dựng công trình phúc lợi tại địa phương, mang tên P55, được Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi thực hiện vào năm 2012. Thông qua việc công khai ngân sách với Ủy ban Nhân dân xã và các địa phương, mọi dự án, công trình công cộng đều có sự tham gia của cộng đồng hay tham khảo ý kiến người dân thụ hưởng. Chính từ những hoạt động minh bạch, dân chủ này, hiệu quả các dự án đã được tăng lên.
Bà Trần Thị Minh Châu, Chủ nhiệm đề án P55 cho biết: “Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều công trình phúc lợi xây dựng ở địa phương không có sự tham gia của cộng đồng nên rất lãng phí, trong đó cũng ẩn chứa việc không minh bạch của kinh phí. Khi người dân không tham gia vào xây dựng các chương trình phúc lợi đó, họ cũng không quan tâm đến chất lượng sử dụng khi nó hoàn thành, đồng thời cũng không có ý thức duy tu bảo dưỡng nó”.
Mô hình đề án "cộng đồng tham gia vào quá trình lập kế hoạch xây dựng công trình phúc lợi tại địa phương" là một trong 10 mô hình đề án được Thanh tra Chính phủ chọn và triển khai tại các tỉnh thành miền núi phía Bắc bên cạnh các mô hình khác như: giám sát công trình giao thông nông thôn, nói không với phong bì trong y tế; xây dựng chính quyền thân thiện cộng đồng dân cư… Đây đều là những mô hình có tính ứng dụng rộng rãi và được Ngân hàng Thế giới đánh giá cao.
Theo bà Bồ Thị Hồng Mai, Cán bộ cao cấp về truyền thông và đối ngoại, Ngân hàng Thế giới: “Những mô hình này không phải tự nhiên được đưa ra, mà xuất phát từ tổng hợp ý tưởng từ cộng đồng và đã trải qua nhiều thử thách tại các địa phương. Tôi nghĩ đó là một yếu tố quan trọng ban đầu cho sự thành công của các mô hình này”.
Tuy nhiên, phòng chống tham nhũng là vấn đề nhạy cảm và hết sức khó khăn, chính vì vậy để các mô hình phát huy hiệu quả tốt nhất, việc phối hợp với các cơ quan chức năng là yếu tố không thể thiếu của mỗi đề án.
Ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng: “Thanh tra Chính phủ sẽ là cơ quan chủ trì, đầu mối phối hợp với các bộ ngành, tổ chức xã hội, các ban của Đảng nhằm hỗ trợ các đề án có vướng mắc. Ví dụ: khi triển khai dự án, có khó khăn tại chính quyền ở địa phương, Thanh tra Chính phủ sẽ cùng các đối tác thành lập tổ công tác xuống làm việc để giải tỏa khó khăn này”.
Tính đến nay, Việt Nam đã tổ chức 5 cuộc thi sáng kiến phòng chống tham nhũng, Ban tổ chức đã lựa chọn được 102 đề án để tài trợ, trong đó có 97 đề án thành công.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.