Nhóm Đình làng Việt có số lượng thành viên ngày càng tăng. Họ làm những công việc khác nhau, ở lứa tuổi khác nhau, nhưng có điểm chung là tình yêu đối với văn hóa truyền thống, nhất là vẻ đẹp và giá trị của đình làng. Những chuyến đi thực tế là dịp để các thành viên bước ra khỏi mạng ảo, trực tiếp gặp gỡ giao lưu, chia sẻ mối quan tâm và niềm yêu thích của mình đối với di sản văn hóa này.
Bà Trần Thị Kiệm, Thành viên của nhóm chia sẻ: “Cứ đến mỗi cuối tuần, nhóm lại có 1 chuyến dã ngoại, được tìm hiểu văn hóa cổ và nhận thấy đất nước mình có những ngôi đình rất đẹp mà chưa được nhắc đến trong các tour du lịch hay trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
Chị Đỗ Thị Thu Vân, Kiến trúc sư: “Khi tham gia nhóm, tôi thấy mọi người ở nhiều ngành nghề khác nhau, từ hội họa, lịch sử, kiến trúc, mỗi người đều có cảm nhận riêng của mình, tựu chung lại là nâng cao sự hiểu biết và tình yêu với đình làng. Một khi ý thức đã được nâng cao thì đương nhiên sẽ yêu quý và mong được giữ gìn, bảo tồn. Đây là hoạt động rất hữu ích”.
Là một nhà nghiên cứu về văn hóa và mỹ thuật, anh Nguyễn Đức Bình - Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Người sáng lập nhóm Đình làng Việt chia sẻ lý do chọn đình làng làm mục tiêu quan tâm của nhóm. Anh nói: “Vì sao không phải đền hay chùa, mà chọn đình? Bởi vì đình là nét đặc trưng nhất của người Việt, trong đó quy tụ rất nhiều yếu tố văn hóa ở ngôi đình. Chùa phục vụ tôn giáo, còn đình phục vụ cộng đồng và tín ngưỡng dân gian. Mục tiêu chung của chúng tôi là tuy rằng trang mạng tưởng như ảo nhưng chúng tôi sẽ biến thành hiện thực, sắp tới tháng 8 và 11 chúng tôi tổ chức 2 triển lãm: “Đình làng Việt - những điều còn, mất” và “Đình xứ Đoài”, tiến tới xuất bản sách. Ngoài ra nhóm còn muốn có tác động mang tính phản biện xã hội, phát hiện đình nào bị xâm hại hay trùng tu sai để báo cơ quan chức năng giải quyết".
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.