Kinh Phật viết bằng chữ Phạn trên bia đá từ thế kỷ thứ ba, thứ tư hay trên lá cây Buông đầu thế kỷ 20... Những hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại Triển lãm đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội đã phần nào tái hiện di sản ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam rất đa dạng, phong phú.
Triển lãm đã trưng bày, giới thiệu các hiện vật, hình ảnh 3D về các di sản khác như Pháp phục, kiến trúc và các cổ vật với những nét độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam. Qua đó giúp Phật tử, công chúng tìm hiểu những giá trị văn hóa truyền thống của đạo Phật.
Triển lãm là sự kiện mở đầu trong chuỗi các hoạt động triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án Định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của Phật giáo hiện nay, nhất là trong bối cảnh một số cơ sở Phật giáo xa rời văn hóa truyền thống, lai căng những yếu tố văn hóa của nước ngoài.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi lo lắng trước hiện tượng văn hóa ngoại lai hiện nay. Triển lãm này sẽ giới thiệu những kiến trúc đặc trưng của chùa, kiểu nhà để từ đó noi theo cha ông, gìn giữ bản sắc văn hóa trong thời kỳ hội nhập”.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!