Ảnh minh họa.
Theo quy định, loại hình dịch vụ thẩm mỹ không cần giấy phép hoạt động phải gửi văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện lên Sở Y tế. Đây là loại hình thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương, do UBND quận/huyện cấp giấy phép đăng ký kinh doanh. Thực tế đó là các spa, thẩm mỹ viện.
Trong các loại hình kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ không có khái niệm "thẩm mỹ viện". Đây chỉ là tên thường được dùng để gọi các cơ sở làm đẹp.
Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không cần giấy phép hoạt động thường được gọi là các thẩm mỹ viện do UBND quận/huyện quản lý, cấp giấy phép kinh doanh chỉ được thực hiện xăm, phun, thêu trên da; tuyệt đối không được phép làm các dịch vụ can thiệp nào khác, ngay cả xăm, phun trên da có dùng thuốc gây tê dạng tiêm.
Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy phép hoạt động là: bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động thẩm mỹ.
Các phòng khám được cấp phép làm các dịch vụ như: tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da ở vùng mặt, vùng cổ; tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai, nhưng không được phẫu thuật.
Các phẫu thuật tạo hình như: nâng ngực; nâng vú; thu nhỏ quầng vú; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể phải được thực hiện tại các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ.
Việc quy định rõ ràng thẩm quyền thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ của spa, thẩm mỹ viện và phòng khám, bệnh viện nhằm đảm bảo an toàn cho những người có nhu cầu làm đẹp. Trong khi vẫn còn tình trạng nhiều thẩm viện, spa đang cố tình thực hiện quá phạm vi cho phép, các chị em cần tỉnh táo khi chọn lựa đúng cơ sở làm đẹp, để bảo vệ an toàn cho chính bản thân mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!