Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng lần đầu tiên được mở cho du khách vào năm 1979 trên chính khu đất của trại giam, thẩm vấn và hành hình S-21 ở Phnom Penh, do chế độ Khmer đỏ điều hành. Tại đây hiện lưu giữ hàng trăm nghìn trang tài liệu và hình ảnh về việc lính Pol Pot tra tấn và sát hại các nạn nhân.
Kho lưu trữ của Bảo tàng Toul Sleng đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới hay Ký ức Thế giới (MoW) vào năm 2009. Đây là bộ sưu tập tài liệu toàn diện nhất về hệ thống nhà tù Khmer Đỏ. Từ năm 2015 - 2019, tổ chức Koica,Tổ chức Unesco đã phối hợp với Bộ Văn hóa - Mỹ thuật Campuchia và Bảo tàng Tuol Sleng tiến hành số hóa khoảng 400.000 trang tài liệu tại đây.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chấm dứt chế độ Khmer Đỏ và vận hành Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng, tổ chức Koica và UNESCO đã phối hợp với Bộ Văn hóa - Mỹ thuật Campuchia tổ chức Hội nghị quốc tế với chủ đề Diệt chủng, Ký ức và Hòa bình.
Hội nghị thu hút các chuyên gia đến từ 25 tổ chức quốc tế và 9 tổ chức Campuchia để chia sẻ kinh nghiệm về việc quản lý tài liệu lưu trữ số hóa về diệt chủng và quá trình đưa Bảo tàng Tuol Sleng trở thành một điểm giáo dục về ý nghĩa của hòa bình.
UNESCO cam kết sẽ luôn tăng cường nhận thức về nạn diệt chủng, nguyên nhân, động lực và hậu quả của những tội ác đó, đồng thời hỗ trợ việc chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử trên thế giới.
Sau 40 năm hòa bình được thiết lập, Campuchia đang hồi sinh mạnh mẽ, đời sống của người dân ngày càng no ấm. Hơn ai hết, người dân đất nước Chùa Tháp thấu hiểu về tội ác diệt chủng, ý nghĩa của sự hòa bình và mong muốn thế giới không để tội ác này lặp lại tại bất cứ quốc gia nào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!