Bộ GD&ĐT vừa hoàn tất công tác thẩm định sách giáo khoa mới để chuẩn bị triển khai vào năm sau. Trong số các cuốn sách giáo khoa được chấm đạt lần này, có cả cuốn sách giáo khoa Giáo dục thể chất. Ngay khi thông tin này được công bố, đã gây ra những ý kiến tranh luận trái chiều. Bởi lâu nay, môn Giáo dục thể chất, thường được quen gọi là Thể dục thường không có sách giáo khoa cho học sinh.
Nếu căn cứ vào khung chương trình mới, yêu cầu cần đạt đối với lớp 1 bao gồm: Học sinh phải biết vệ sinh sân tập, chuẩn bị dụng cụ trong tập luyện, quan sát tranh ảnh và động tác làm mẫu của giáo viên, thực hành được đội hình đội ngũ; các động tác bài tập thể dục; các tư thế và kỹ năng vận động cơ bản; các động tác cơ bản của nội dung thể thao được học. Với yêu cầu chính là vận động ngoài trời và thực hành như vậy, giáo viên thể dục khá ngạc nhiên khi biết sẽ có sách giáo khoa cho học sinh.
Còn nếu xét về tổng thể từ lớp 1 đến lớp 12, Giáo dục thể chất cũng là môn học thiên về rèn luyện kỹ năng vận động và phát triển thể lực cho học sinh thông qua các bài tập đội hình đội ngũ, thể dục, trò chơi vận động, các môn thể thao và kỹ năng phòng tránh chấn thương trong hoạt động thể dục thể thao. Theo các phụ huynh, những nội dung này hoàn toàn có thể đưa vào sách giáo viên để cung cấp đầy đủ kiến thức bài học cũng như các hướng dẫn cho thầy cô, thay vì viết sách giáo khoa cho trẻ.
Lo ngại lớn nhất là cuốn sách giáo khoa được viết ra nhưng nếu không thực sự thiết thực, không được sử dụng hiệu quả sẽ gây lãng phí cho xã hội. Bởi vì khi sách đã được in, phụ huynh không thể không mua đủ cả bộ sách giáo khoa.
Phải nói rằng khi xem xét việc thêm 1 cuốn sách giáo khoa thể dục cho học sinh, Bộ GD&ĐT đã thực sự coi trọng môn thể dục, môn vốn được nhiều phụ huynh và học sinh coi là môn phụ, học cho qua là được, nhất là với việc thể chất của người Việt khá kém so với nhiều nước trong khu vực, việc lấy lại công bằng cho môn thể dục là cần thiết. Tuy nhiên, mỗi cuốn sách được thêm vào bộ sách giáo khoa, chi phí mua sách sẽ tăng cao. Ngoài ra, với học sinh lớp 1, riêng việc đưa các em ra sân, ổn định được đội hình, đội ngũ cho quen giáo viên thể dục có khi cũng mất đến cả kỳ học chứ đừng nói gì đến việc bắt học sinh nhìn vào sách giáo khoa.
Tại Nhật Bản, theo chia sẻ của một số nhà giáo dục, từ cấp 2 sẽ có sách giáo khoa môn học Giáo dục thể chất và sức khỏe vì ở Nhật Bản, môn học này không chỉ là thể dục mà còn là khoa học sức khỏe. Do đó, phải có phần lý thuyết, lý luận, hình vẽ, số liệu phân tích, chứ không phải chỉ có ra sân vận động. Còn ở Việt Nam, môn học này thiên nhiều về vận động nên cuốn sách này đang được xem là dư thừa.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, đã là môn học bắt buộc trong chương trình thì cần phải có sách giáo khoa. Tuy nhiên, trên thực tế, trong những năm qua, môn Thể dục vẫn luôn là môn chính khóa mà không hề cần phải có sách giáo khoa. Hơn nữa, qua khảo sát một số nước, môn học này cũng không có sách giáo khoa mà chỉ có sách cho giáo viên.
Một số chuyên gia cho rằng, cần phân biệt rất rõ giữa Giáo dục thể chất và môn Giáo dục sức khỏe, một môn học có trong chương trình của các nước phát triển. Môn Giáo dục thể chất thiên về rèn luyện sức khỏe thông qua vận động, còn Giáo dục sức khỏe tích hợp các nội dung kiến thức liên quan đến bảo vệ sức khỏe, chăm sóc dinh dưỡng cho học sinh. Hai môn học này hoàn toàn khác nhau về cả mục tiêu, nội dung và yêu cầu cần đạt. Giáo dục sức khỏe có thể có sách giáo khoa nhưng Giáo dục thể chất thì thường là không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!