Ngôi chùa Kodaiji 400 năm tuổi ở Kyoto, Nhật Bản đang gây nhiều chú ý với tuyên bố sẽ "thay đổi bộ mặt của Phật giáo". Ngôi chùa này vừa quyết định sử dụng một nhà sư robot trong dự án truyền đạo mang tên Mindar trị giá 1 triệu USD. Sư robot Kannon được làm dựa theo hình dáng của Phật Bà Quan Âm, có thể di chuyển thân, tay, đầu, chắp tay và giảng kinh về nhiều chủ đề như: lòng trắc ẩn, tham sân si, giận dữ và bản ngã.
Sư thầy Goto cho rằng, cỗ máy không có tâm hồn, tuy nhiên tư tưởng Phật giáo và cách truyền đạt mới là quan trọng nhất. Với công nghệ trí thông minh nhân tạo, nhà sư robot sẽ sớm đạt được sự uyên bác vô hạn.
Nhiều du khách đến cố đô Kyoto đã tỏ ra không mấy hứng thú vì mục đích thăm quan đền chùa của họ là tìm về cội nguồn của văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng lâu đời của Nhật Bản. Một số khác tìm đến chùa Kodaiji do sự tò mò về robot nhà sư đầu tiên của thế giới.
Trong khi đó, dư luận Nhật Bản cũng chia làm 2 luồng ý kiến ủng hộ và phản đối. Những người ủng hộ cho rằng Phật giáo phải nỗ lực thích nghi với sự biến đổi của xã hội. Tình trạng người trẻ tuổi đang ngày càng rời xã tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, công nghệ hóa cũng là một việc làm cần thiết.
Ngược lại những người phản đối cho rằng, không thể để một cỗ máy vô hồn thuyết pháp được, nội dung thuyết pháp chỉ có ý nghĩa khi gắn với một tâm hồn cao đẹp, lối sống đức độ của nhà sư. Còn các nhà sư khác khuyên mọi người hãy bình tĩnh, vì thời gian sẽ chứng minh tất cả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!