Tháng 7/2019 là tháng nóng nhất trên toàn cầu được ghi nhận trong lịch sử. Đây là thông tin được Chương trình giám sát biến đổi khí hậu thuộc Liên minh châu Âu công bố.
Nguyên nhân được nhận định là do Trái Đất chịu tác động của hiện tượng El Nino và các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính được xả vào bầu khí quyển.
Chỉ mất 10 phút, tháp Eiffel làm từ chocolate đã tan chảy hoàn toàn dưới ánh nắng mặt trời như thiêu như đốt ở Thủ đô Paris của Pháp. Nhiệt độ được ghi nhận tại Paris trong ngày 25/7 đã lên đến mức kỷ lục 42,6 độ C.
Thị trấn Begijnendijk của Bỉ đạt ngưỡng kỷ lục 41,8 độ C, mức cao nhất kể từ khi các số liệu thời tiết được thu thập. Lần đầu tiên trong lịch sử, Bỉ đã phải ban bố báo động đỏ về nhiệt độ.
Luxembourg cũng chứng kiến nền nhiệt cao chưa từng thấy ở mức 40,8 độ C, phá vỡ kỷ lục được thiết lập hồi năm 2003. Còn Tại Đức, nhiệt độ tại 15 thành phố ở nước này đã phá vỡ kỷ lục từng ghi nhận.
Không chỉ tại châu Âu, trong tháng 7 vừa qua, nhiều khu vực của nước Mỹ đã trải qua một đợt nắng nóng đỉnh điểm, ảnh hưởng tới cuộc sống của gần 1/3 dân số nước này.
Còn với người dân vùng Đông Bắc Mỹ, khu vực vốn được coi là xứ lạnh, đã 7 năm nay mới trải qua một ngày nắng nóng tới 40 độ C. Nắng nóng cộng với độ ẩm tăng cao khiến người dân có cảm giác như ở vùng khí hậu nhiệt đới. Tình trạng nóng bất thường đã tác động nghiêm trọng tới hầu hết các gia đình tại đây bởi họ đều không có điều hòa và các cửa hàng cũng không bán quạt.
Trước tình trạng nắng nóng, giới chức New York và Philadelphia đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Người dân được khuyến cáo nên ở trong nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!