Tính đến thời điểm này, tại Trung Quốc đã có hơn 28.000 người mắc bệnh viêm phổi do chủng mới của virus corona. Trong đó, gần 1.200 người đã xuất viện nhưng đa phần là người trẻ. Ngược lại, trong số trường hợp biến chứng nặng, chủ yếu vẫn là người cao tuổi, người có bệnh mạn tính. Vậy làm thế nào để có thể nâng cao sức đề kháng, đặc biệt cho người cao tuổi và có những lưu ý gì quan trọng trong phòng dịch bệnh?
Theo TS. Bác sĩ Nguyễn Trung Anh (Viện trưởng Viện Lão khoa Trung ương): "Vì người trên 60 tuổi thường mắc 3 bệnh phối hợp, số bệnh phối hợp với người trên 80 tuổi là 6,9 bệnh. Vì vậy, khi mắc nhiều bệnh cùng một lúc, người cao tuổi thường có sức đề kháng thấp hơn. Thêm vào đó, dự trữ sinh học của người cao tuổi không nhiều. Người cao tuổi có hội chứng dễ bị tổn thương, đặc biệt còn có một số hội chứng khác như sa sút trí tuệ, Alzheimer, khiến họ không có đủ nhận thức để tự chăm sóc sức khỏe của mình, nên sức đề kháng thấp hơn người trẻ tuổi".
Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Trung Anh, để người cao tuổi khỏe hơn, đủ sức chống lại các loại bệnh nói chung và virus nói riêng, người cao tuổi cần được quản lý, chẩn đoán các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch; cần tuân thủ theo chế độ điều trị của các bác sĩ. Bên cạnh đó, người cao tuổi cần được chú ý về vấn đề dinh dưỡng; ăn thức ăn dễ ăn; chia nhỏ bữa ăn trong ngày; bữa ăn cần có đầy đủ khoáng chất, vitamin, chất béo... một cách cân đối; tập luyện thể dục hàng ngày để phòng ngừa bệnh tật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!