Đây không phải lần đầu trạm thu phí này phải tạm ngừng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư và các địa phương vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để giải quyết dứt điểm vụ việc.
Từ khi Cầu Vàm Cống đi vào hoạt động, không riêng các tài xế hai tỉnh An Giang, Kiên Giang bức xúc mà các chủ phương tiện từ TP.HCM, Tiền Giang cũng phản ứng cách thu tiền của trạm BOT T2. Cụ thể, họ cho rằng chỉ sử dụng một đoạn đường ngắn chưa đầy 200m, nhưng phải trả phí toàn tuyến là không hợp lý.
Trước áp lực từ cánh tài xế, trạm BOT T2 tiếp tục ngừng thu phí. Việc tạm ngừng đã giải quyết được điểm nóng, bức xúc trong dư luận, nhưng chủ đầu tư cũng phải gánh lấy những khó khăn nhất định. Mặc dù không hoạt động nhưng đơn vị phải duy trì đội ngũ cán bộ, nhân viên, đóng lãi suất ngân hàng… Theo đại diện chủ đầu tư, hiện tại mỗi tháng đơn vị chỉ thu được khoảng 8 tỷ đồng từ trạm BOT T1, trong khi lãi suất ngân hàng là hơn 10 tỷ đồng. Về lâu dài đơn vị sẽ rơi vào tình trạng nợ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động.
Trong tuần tới, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và chủ đầu tư sẽ có buổi làm việc để thống nhất giải pháp gỡ khó cho trạm BOT T2 trên tinh thần đảm bảo quyền lợi của nhân dân, doanh nghiệp vận tải và chủ đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!