Trò chơi đánh quay của đồng bào Mông.
Đến với các bản làng đồng bào Mông vùng cao Tây Bắc xuân này, chúng ta sẽ được hòa mình vào các trò chơi dân gian truyền thống, phần không thể thiếu trong các lễ hội của đồng bào.
Đánh quay là một trong những trò chơi dân gian rất phổ biến trong ngày hội, các dịp Tết đến xuân về của đồng bào Mông. Trò chơi này dành cho nam giới, từ các em nhỏ đến những người trung tuổi đều có thể tham gia.
Chiếc quay trên tay của anh Lầu A Khánh ở bản Nặm Tròn, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La được đánh ra, bổ xuống như trời giáng, làm cho chiếc quay của đối phương bay đi khá xa rồi lảo đảo tắt lịm ngay trong giây lát. Anh Lầu A Khánh rất vui vẻ: "Tôi cảm thấy rất ấn tượng. Đấy là môn truyền thống từ lâu đời và cũng là môn giải trí thể dục thể thao khiến cho con người khỏe mạnh. Hình thức đánh thì có đánh gần, đánh xa, nếu đối phương thua hết thì sẽ có một quả người ta đánh rất xa, nếu mà trúng thì mình sẽ có cơ hội đánh tiếp".
Con trai ở các bản làng dân tộc Mông làm quen với con quay từ khi mới lẫm chẫm biết đi, khi đó các em nhỏ được bố hoặc anh trai làm quay cho. Lớn thêm ít nữa khi tự biết cầm dao khéo léo đẽo quay, thì các chàng trai trở nên thành thục với trò chơi tưởng đơn giản, nhưng lại cần sự khéo léo, sức khẻo và hấp dẫn này. Với người Mông ở đâu cũng vậy, muốn có một con quay chắc chắn, đánh không bị vỡ thì những người con trai phải vào trong rừng sâu tìm những loại gỗ tốt, cứng và dẻo để đẽo thành quay. Anh Vừ Ngọc Và, phó bản Hay Phiêng, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, là một người đánh quay giỏi và có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh quay cho rằng: ngoài con quay cứng, chắc thì dây quay hết sức quan trọng.
Anh Và cho biết: "Bằng dây lanh đấy, và họ có buộc ở đầu của dây bằng mấy sợi lông gà, một đầu thì cuộc vào đầu một cái que, sợi dây dài hay ngắn tùy vào từng người, có những người thì người ta thích dây dài, có người sở trường dùng dây ngắn, vì nó phụ thuộc vào sức quay và sức ném của người chơi. Nếu người chơi có sức khỏe thì dùng dây dài hơn, còn người yếu hơn thì dùng dây ngắn".
Cái thú vị nhất của chơi quay chính là hình thức đánh, ở mỗi vùng, mỗi bản có hình thức đánh riêng, đó là chơi tự do và chơi đồng đội. Chơi tự do là không phân biệt người chơi và người đánh, nếu đánh trượt thì phải đi quay và người nào đánh trúng thì được đánh tiếp, còn những người quay trước không bị người khác đánh trúng thì lại được đánh. Hình thức đánh theo đồng đội thì chia đều những người tham gia thành hai đội, mỗi bên có từ 3 đến 5 người, thậm chí lên đến 10 người. Theo hình thức đồng đội thì chỉ cần một người trong đọi đánh trúng và thắng được đối phương là coi như đội đó thắng. Đánh quay không phải như nhiều người thường nghĩ là hai bên cùng ném con quay xuống đất, bên nào bị đổ trước là thua mà phải có luật lệ riêng.
Anh Lầu A Ná, ở bản Nặm Tròn, xã Chiềng Ngần cho rằng, ngày tết đánh quay đông vui như vậy không biết chán, người nào mệt cho ra nghỉ, người mới đến cho nhập vào, vì vậy đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe dẻo dai và khéo léo: “Tết cổ truyền của đồng bào Mông thường tổ chức các môn thể thao như kéo co, ném pao, đá bóng…trong đó nổi cụm là tổ chức môn thể thao đánh quay này. Cứ đến dịp tết là đội này đánh với đội khác, chi đoàn này đánh với chi đoàn khác. Tập luyện trong vòng một tuần. Đánh quay cũng rất là khó bởi vì có dây cuốn vào, khi thả dây ra nó phải có cỡ của nó thì mới trúng cơ”.
Chơi đánh quay của đồng bào Mông không chỉ giúp cho người chơi có đôi mắt tinh nhanh, phán đoán tốt, mà còn tạo không khí vui xuân đón Tết, thắm tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.