Vợ nhạc sĩ Thập Nhất “Chúng tôi không có gì phải hối tiếc”

Theo Băng Châu/Dân trí-Thứ năm, ngày 25/08/2016 20:09 GMT+7

VTV.vn - Vợ cố nhạc sĩ Thập Nhất đã chia sẻ rất chân thành về người bạn đời của mình vừa ra đi với một tâm thế “đã sống rất trọn vẹn cho nhau nên không có gì phải hối tiếc".

Sáng ngày 24/8, tang lễ của nhạc sĩ Thập Nhất tại nhà tang lễ thành phố diễn ra trong sự xúc động và trang trọng để tiễn biệt một người nhạc sĩ tài hoa nhưng phải ra đi sớm vì bạo bệnh.

Vợ nhạc sĩ Thập Nhất “Chúng tôi không có gì phải hối tiếc” - Ảnh 1.

Vợ nhạc sĩ Thập Nhất trước linh cữu của chồng

Trong tang lễ, vợ nhạc sĩ - bà Thanh Lương đã có những chia sẻ chân tình về người bạn đời đã gắn bó với mình từ khi còn trẻ cho đến những giây phút cuối của cuộc đời. Vợ nhạc sĩ hiện đang là biên tập viên ban chuyên đề của đài truyền hình TPHCM.

Nhạc sĩ Thập Nhất từng bị bệnh viện trả về năm 25 tuổi

Hai vợ chồng quen biết nhau từ khi còn là bạn tại nhạc viện, là mối tình đầu, và có thể nói là tri kỷ của nhau. Chúng tôi thương nhau từ những năm 1976 và kết hôn năm 1983. Trong cuộc sống, do cả 2 cùng học âm nhạc tại nhạc viện nên có thể chia sẻ về chuyên môn. Tôi học đàn tì bà, anh Nhất hơn tôi 2 khóa, anh học sao trúc.

Trong cuộc sống chúng tôi trải qua thời điểm cực kỳ khó khăn, có những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được.

Vào năm 1984, khi anh Nhất thi đậu vào khoa sáng tác chỉ huy của nhạc viện TPHCM, cũng là lúc anh bị bệnh suy tủy. Lúc bấy giờ, khoa huyết học bệnh viện Chợ Rẫy có kêu gia đình tới, nói rằng căn bệnh của anh Nhất không thể điều trị được, khoảng 12 ngày nữa anh có thể mất. Đề nghị gia đình làm thủ tục đưa anh ấy về.

Lúc đó chúng tôi còn trẻ, không suy nghĩ căn bệnh nguy hiểm đến như vậy và chúng tôi đi tìm thầy thuốc khác. May mắn khi bác sĩ bệnh viện An Bình đã cứu anh Nhất khỏi bệnh.

Anh là người ít nói, nhưng thương vợ con vô hạn, không phải bằng lời nói mà bằng những hành động dành cho vợ con. Tôi nhớ, khi sanh đứa con đầu tiên, tôi thèm ngủ và hốt hoảng khi nghe con khóc. Khi con khóc, anh là người bồng con đầu tiên. Sau đó tôi mới thức dậy chăm con.

Tôi nghĩ tìm được người yêu rất dễ, tìm tri kỷ rất khó, nhưng tôi với chồng tôi là tri kỷ vì chúng tôi làm bạn từ khi còn đi học mà đi lên, cùng học về âm nhạc chúng tôi hiểu nhau. Tôi nghĩ thời gian sống với nhau không phải ngắn hay dài, cuộc đời, sự nghiệp cũng không tính bằng năm tháng, mà tính bằng những gì đã mang lại cho nhau.

Nhạc sĩ Thập Nhất sống trong cảm xúc trẻ thơ để sáng tác

Anh Nhất là một trong số ít nhạc sĩ sáng tác nhạc cho thiếu nhi. Sáng tác nhạc cho thiếu nhi rất khó khăn, sáng tác cho người lớn cảm xúc đang có sẵn, còn sáng tác dành cho tuổi thơ thì người lớn phải "lội ngược dòng cảm xúc" để về tuổi thơ. Sống được như tâm hồn trẻ thơ rất khó, anh ấy đã làm được điều đó.

Sau này anh sáng tác nhiều, mỗi tác phẩm đều có cảm xúc thật sự của trẻ thơ. Bởi trong cuộc sống gia đình, tôi xác định rất rõ ràng, muốn để cho nhạc sĩ có tâm hồn sáng tác, việc đầu tiên vợ con phải tạo cho nhạc sĩ có không gian sáng tác, cơm áo gạo tiền chắc chắn không "dính líu".

Nếu người nhạc sĩ luôn nghĩ đến việc ngày mai phải kiếm tiền nuôi gia đình như thế nào, tôi nghĩ chắc chắn không bao giờ có được các tác phẩm, đặc biệt còn dành cho thiếu nhi.

Trong đời sống và sáng tác, gia đình đã tạo cho anh không gian thật sự, tôi có thể nói đó là không gian "vô trùng" để anh có thể sống được, nuôi được cảm xúc trong trẻo, ngây thơ mà cuộc hành trình rất dài từ nhỏ cho đến khi lập gia đình.

Ngoài những sáng tác cho thiếu nhi, những sáng tác về thành phố của anh mà những người đã sống tại thành phố trong nhiều năm đều cảm nhận được sự thay đổi đó qua lời bài hát của anh.

Ca khúc Bố là tất cả anh Nhất viết cho con trai Nguyễn Đoàn Việt Phương, đứa con trai đầu lòng của chúng tôi. Nhưng kỳ lạ nhất là khi đó bé mới 1 tuổi rưỡi, nhưng lần nào hát đến câu "bố là bờ đê cho con nằm ngủ" là bé khóc.

Tác phẩm thứ 2 là Bé học đàn piano viết cho Nguyễn Đoàn Nam Anh, con trai thứ. Khi đó bé Nam Anh không thích học đàn piano. Bé từng không thích học và hỏi tôi tại sao lại bắt bé học piano. Tôi chỉ nói khi nào con lớn thì con sẽ hiểu vì sau.

Chúng tôi trưởng thành và biết rằng bước chân vào đời sẽ không bao giờ bằng phẳng, nếu không có âm nhạc, khi gặp chuyện buồn thì sẽ đi nhậu hoặc làm chuyện không hay, nhưng nếu học nhạc, khi buồn có thể "tâm sự" với âm nhạc. Và chính như thế tôi mới cho 2 cháu học piano. Đến năm lớp 8 cháu biết yêu là đàn hay hẳn, sau này cháu rất thích đàn piano. 2 con nhỏ không theo nhưng rất biết về âm nhạc, cậu út còn biết piano, sáo, trống, organ.

Đã sống trọn vẹn và thực hiện 3 di nguyện của chồng

Trước khi anh mất 2 ngày, anh có nói: "Bệnh của anh chắc chắn là không thể khỏi được, em hãy ngồi đây với anh. Đối diện với sự thật, lắng nghe những điều anh muốn để lo hậu sự cho anh".

Những điều anh Nhất muốn trước khi mất là anh mất khi anh vẫn còn đi làm, để tạo điều kiện để cơ quan có thể tới với anh. Kế đó, anh muốn là gặp gỡ tất cả những bạn bè, đồng nghiệp. Chính vì thế anh mất vào 9h30 sáng thứ 7 nhưng tôi đã quyết định tôi quàng anh vào ngày thứ 2, thứ 3 để những người thương mến và quen biết anh có thể đến chào anh lần cuối cùng.

Và điều sau cùng, khi mất anh muốn hỏa thiêu, không phải chôn để bớt tiền cho gia đình, nhưng anh không muốn ở trên chùa, anh muốn sau khi hỏa thiêu gia đình đón anh về sống trong nhà. Anh nói rằng anh muốn về nhà, và tôi chắc chắn rằng, sau hành trình đi đến hỏa thiêu, nhạc sĩ Thập Nhất sẽ được về nhà theo đúng ý nguyện.

Vợ nhạc sĩ Thập Nhất “Chúng tôi không có gì phải hối tiếc” - Ảnh 2.

Vợ nhạc sĩ Thập Nhất và 2 người con trai trong tang lễ. Như lời vợ nhạc sĩ nói "Những ngày cuối cùng bên anh, khi đưa anh từ nơi hỏa táng về nhà sẽ là trọn vẹn những gì anh mong muốn".

Khi anh Nhất ra đi, tôi không cảm thấy đây là sự mất mát vì khi sống đã trọn vẹn sẽ không cảm thấy nuối tiếc điều gì, vì lúc sống đã cho nhau đầy đủ. Và đã cho nhau điều mà đôi bên cần, khi mất đi không có gì mà nuối tiếc.

Từ lúc phát hiện đến lúc mất hơn 2 tháng rưỡi, tôi nghĩ đây là cái kết có hậu, tôi nghĩ thêm thời gian nữa thì anh sẽ đau lắm, và tôi là người không chịu nổi.

Trong cuộc đời chúng tôi đã đồng cam, cộng khổ, vượt qua được nhưng thứ tưởng chừng không vượt qua được, cho nên sự kiên cường luôn là sự hiện hữu trong đời sống chúng tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ tôi sẽ buông tay, cho đến lúc cuối cùng khi anh bị sốc, suy hô hấp và ra đi.

Những giây phút cuối anh muốn về nhà, anh nói nếu anh về nhà mà mất thì sẽ tốt hơn. Nhưng tôi vẫn tìm cách chuyển cho anh sang 115 để cấp cứu, nhưng may mắn không đến với chúng tôi.

Có rất nhiều người nói, cái chết là khép lại, thay vì sống đế có thể làm nhiều điều hơn nữa, nhưng tôi nghĩ như thế này, cuộc sống là một hành trình không có sự kết thúc, mở đầu cái này là sự kết thúc của cái khác. Tất cả những điều anh Thập Nhất đã làm, đôi khi những em bé hát bài hát của anh sẽ nghiệm ra một điều gì đó trong cuộc sống mà nảy nở ra trang mới trong cuộc đời nó. Và từ trang mới trong cuộc đời đó sẽ kết nối nhiều trang mới trong cuộc đời khác. Và tôi nghĩ anh đi xa nhưng tác phẩm của anh vẫn còn lại. Những tác phẩm đó không có mở đầu và kết thúc, sẽ có đời sống riêng trong cuộc sống này.

Từ khóa:

thập nhất

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước