Chiều 21/12, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã ra thông cáo chi tiết về việc 25 cuốn sách quý bị mất. Theo đó, khoảng tháng 3 - 4/2020, cán bộ quản lý kho sách phát hiện có dấu hiệu không tìm thấy một số cuốn sách ở vị trí quy định trên giá. Thời điểm phát hiện đang trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo Viện đã làm việc với người quản lý kho sách để chấn chỉnh, dự kiến các giải pháp điều chỉnh quy trình quản lý sách tránh thất thoát; đồng thời lên kế hoạch tổng kiểm kê nhằm tìm kiếm các cuốn sách bị lạc và đối soát tất cả các văn bản khác đang lưu trữ tại Viện.
Cơ quan này cũng cho hay, đến tháng 4/2022, sau khi khôi phục điều kiện làm việc bình thường, Viện đã cho tổng kiểm kê toàn bộ kho sách Hán Nôm. Đây là lần tổng kiểm kê đầu tiên trong hơn 10 năm qua. Thông qua 3 tháng rà soát, phát hiện không thấy trên giá 29 cuốn. Sau khi tiếp tục cho rà soát, Viện tìm được 4 cuốn (do để sai chỗ trên giá). Như vậy tổng số sách chưa thấy trên giá là 25 cuốn.
Hiện tại, công tác rà soát tìm sách, xác định trách nhiệm của các bên liên quan đang được triển khai. Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết sẽ lập hội đồng riêng để xem xét cụ thể vấn đề này.
Ông Nguyễn Xuân Diện - Phó trưởng phòng Phòng Văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho hay trong số 25 cuốn sách bị mất có bốn cuốn Toàn Việt thi lục, thuộc ba bộ khác nhau, do Lê Quý Đôn biên soạn, Việt âm thi tập do nhà sử học Phan Phu Tiên và Thị Ngự sử Chu Xa kế tục biên soạn.
25 cuốn sách này đã có bản scan màu và/hoặc bản photocopy làm từ trước song việc tìm kiếm các cuốn sách thất lạc vẫn đang được tiến hành. Thời điểm sách bị thất lạc tạm thời được xác định là khoảng 5 năm gần đây. Viện đã và đang tổ chức rà soát lại để tìm sách, xác định giá trị nội dung từng sách (qua các bản scan hoặc photocopy còn lưu) và xác định trách nhiệm liên quan.
Toàn Việt thi lục là bộ sách lớn do Lê Quý Đôn biên soạn theo lệnh của vua Lê Hiến Tông. Bộ sách gồm 2.303 bài thơ của 173 tác giả từ thế kỷ 10 đến 16, với số lượng văn bản còn lại lớn nhất (trên 11.000 trang nguyên bản, kể cả các dị bản), chưa từng được biên dịch và công bố toàn bộ. Bộ sách hoàn thành năm 1768, dâng lên vua đọc, nhưng chưa được khắc in. Toàn Việt thi lục hiện còn 11 bộ, trong đó riêng Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ 10 bộ, bộ còn lại hiện lưu trữ tại Hiệp hội Châu Á ở Paris, Pháp.
Viện Nghiên cứu Hán Nôm trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, là nơi tổ chức nghiên cứu, khai thác và biên dịch, xuất bản di sản Hán Nôm của dân tộc, đào tạo cán bộ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, phục chế, nhân bản, góp phần phát triển văn hóa của dân tộc.
Viện là đơn vị bảo quản các tài liệu Hán Nôm gồm gần 35.000 cuốn sách và gần 60.000 thác bản văn bia đã có biên mục; đồng thời mở cửa thư viện để các tổ chức, nhà nghiên cứu và các cá nhân trong và ngoài nước quan tâm đến văn bản cổ của dân tộc có cơ hội tiếp cận tài liệu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!