"Xin quý khách vui lòng không viết lên tường" là dòng thông báo xuất hiện tại nhiều di tích, di sản quốc gia trên khắp cả nước. Ngay cả khi có thông báo này, không ít người vẫn vô tư viết, vẽ lên tường.
Bất chấp bị cộng đồng lên án, nhiều du khách vẫn viết, vẽ bậy lên di tích ở những khu du lịch để lưu "danh" bản thân, đánh dấu lãnh thổ. Càng tự hào với lịch sử dân tộc văn hóa bao nhiêu thì càng xót xa bấy nhiêu khi chứng kiến hình ảnh di tích lịch sử, di sản bị xâm phạm không thương tiếc. Mới đây nhất, Kỳ đài Kinh thành Huế đã xuất hiện hàng loạt những nét chữ có nội dung nhảm nhí, thậm chí thô thiển làm xấu xí, tổn hại đến hình ảnh kỳ quan quốc gia.
Trên thế giới, hành vi viết, vẽ bậy lên di tích bị xử phạt rất nặng. Tại Thái Lan, hành vi xâm hại di tích có thể bị phạt tới 10 triệu bạt (khoảng 7 tỷ đồng); Singapore có mức phạt là 30 triệu đồng, thậm chí có thể bị xử lý hình sự. Tại Việt Nam, quy định với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa nghệ thuật bị xử phạt từ 1 – 3 triệu đồng, gây hậu quả nghiêm trọng có thể đối mặt với mức phạt lên tới 3 năm tù. Cho đến nay, chưa có vụ việc vẽ bậy lên di tích nào bị xử lý nghiêm trọng nên tình trạng vẫn phổ biến, thậm chí không ít di tích bị hủy hoại lâu ngày, chữ chồng lên chữ, vết khắc sâu nghiêm trọng đến mức không thể phục hồi.
"Đây là việc rất đáng xấu hổ, như vậy là trình độ nhận thức hạn hẹp, còn non, ý thức nhận thức về di sản, di tích còn rất thấp mới làm những hành động như vậy. Tôi dự đoán rằng chủ yếu là tuổi trẻ. Nhưng tuổi trẻ giờ tài ba, hiểu biết học hành đến nơi đến chốn mà sao vẫn làm những hành động như vậy. Tôi với tư cách người dân phản đối điều đó và chỉ có lời khuyên không nên đánh bóng mình, ghi tên mình hay bất kỳ điều gì lên đó. Hành vi ấy không khác gì kẻ đốt đền", TS. Nguyễn Viết Chức – Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa – xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Việt Nam chia sẻ.
Đối tượng vẽ bậy lên di tích chủ yếu là người trẻ có ý thức kém. Vì vậy, nhà trường và gia đình cần tăng cường giáo dục ý thức tôn trọng văn hóa lịch sử của dân tộc. Các di tích lịch sử trải qua hàng nghìn, hàng trăm năm bể dâu vẫn tồn tại đến ngày nay là nhờ sự gìn giữ của bao thế hệ. Vì vậy, việc bảo tồn cho được các di tích này là trách nhiệm của mỗi người, không chỉ cho hôm nay mà còn thế hệ mai sau.
Theo thống kê của ngành văn hóa, cả nước hiện có hơn 40.000 di tích, điểm tham quan. Trong đó có 3.000 di tích quốc gia và 7.000 di tích cấp tỉnh. Các di tích thắng cảnh là di sản cha ông để lại. Đó không phải là các công trình kiến trúc đơn thuần mà chứa đựng giá trị về văn hóa, tinh thần, có giá trị trường tồn với thời gian. Ứng xử có văn hóa với di sản thể hiện sự tôn trọng lịch sử dân tộc. Với người đến tham quan di tích, di sản, đừng mang gì đi ngoài những tấm hình, đừng để lại gì ngoài những dấu chân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!