"Vất vả vì Tết nhưng vui và hạnh phúc bên nhau cũng vì Tết"

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 20/01/2023 12:54 GMT+7

VTV.vn - Cái Tết của người Việt, dù mọi thứ hôm nay đã đơn giản hơn nhiều, đỡ vất vả hơn thời xưa, nhưng sẽ không bao giờ mất.

Ngày 29 Tết là thời điểm nhiều gia đình đang tất bật dọn dẹp nhà cửa,đi chợ mua sắm hoặc nhiều người lại đang trên đường về với gia đình. Vì thời điểm cận Tết có nhiều công việc phải gói ghém giải quyết nên nhiều người đã nói vui rằng – "đang yên đang lành, tự nhiên lại Tết". Có người cho rằng Tết đang nhạt dần. Nói là như vậy nhưng dù bận rộn đến đâu, càng gần đến Tết thì nhiều người lại càng có cảm giác bồi hồi khó tả. Với cảnh đường phố nhộn nhịp người bán kẻ mua, náo nức người mua sắm Tết, trang hoàng nhà cửa, mong ngóng người thân đi xa trở về. Tết mang đến cho chúng ta cảm giác, hương vị riêng mà không thể thay thế được.

Ngày Tết là dịp con cháu hướng về tổ tiên, cội nguồn, gắn kết tình gia đình, thân tộc và cộng đồng làng xã. Từ xưa, trong cảnh còn khi đói, khi no, hay thời kỳ bao cấp thiếu thốn đủ thứ, phải lam lũ vất vả quanh năm nhưng cái Tết của người Việt vẫn là khoảng thời gian thanh bình, sum vầy đầm ấm nhất với mọi gia đình. Còn nay khi đầy đủ hơn, Tết là dịp đoàn tụ sau một năm bận rộn, bôn ba với mọi công việc ở bên ngoài gia đình.

"Đối với người phương Đông, cái Tết không đơn giản chỉ để ăn mà ở góc độ khác, nó là sự mong mỏi cái mới. Vì thế, cổ nhân mới nói nhật tân, nhật tân hựu nhật tân, tức là Tết chỉ mong cái mới, cái mới và cái mới. Không chỉ là ăn, trưng hoa mà hết một năm, người ta mong muốn điều xui xẻo của năm cũ qua đi và trong năm mới sẽ tốt lành hơn, đó là quan trọng. Vì thế, theo quan điểm của tôi, với cái Tết của người Việt, dù mọi thứ hôm nay đã đơn giản hơn nhiều, đỡ vất vả hơn thời xưa, nhưng sẽ không bao giờ mất", nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ.

Tết Nguyên đán không chỉ là thời điểm bắt đầu năm âm lịch mà còn chứa đựng những giá trị hồn cốt của dân tộc, lưu giữ phong tục đẹp. Một số phong tục hoặc nét văn hóa Tết dần mai một nhưng đâu đó vẫn được nỗ lực bảo tồn và tái hiện như tục dựng cây nêu, khôi phục món ăn Tết truyền thống, công việc được nhiều gia đình chú trọng là sắm sửa quần áo mới diện Tết. Ngày Tết khí vượng thịnh, mặc quần áo mới để đón giao thừa năm mới, có ý nghĩa bỏ cái cũ đón cái mới. Phong tục này theo quan niệm truyền thống là điềm lành, đón no ấm và hạnh phúc. Vào những năm gần đây, càng nhiều người chọn áo dài truyền thống để đón Tết.

Tết đến, đun một nồi nước mùi già, gột rửa những điều chưa may mắn của năm cũ, đón một năm mới sang, thắp nén hương trên bàn thờ tổ tiên, đối diện với lòng mình, ngẫm về cái được, cái chưa được, những vui buồn, khó khăn, vất vả và thành công của năm qua và cùng kỳ vọng vào những thành tựu của năm tới, mở cửa đón khách với lời chúc an lành nhất. Tết là đầm ấm, sum vầy, sẻ chia và ước vọng, bởi lẽ đó Tết không chỉ là sự kiện trong năm mà còn cộng hưởng giá trị văn hóa bền chặt của gia đình, dòng họ, làng xã và cả một dân tộc. Vất vả vì Tết nhưng vui và hạnh phúc bên nhau cũng vì Tết, cứ thế Tết đến một cách tự nhiên và mỗi người lại giữ gìn những giá trị của Tết một cách tự nhiên, như cha ông nghìn năm qua vẫn vậy.

Tết Quý Sửu trong ký ức giới văn nghệ sĩ Hà Nội Tết Quý Sửu trong ký ức giới văn nghệ sĩ Hà Nội

VTV.vn - Cách đây 50 năm, Tết Quý Sửu năm 1973 là Tết đặc biệt bởi chỉ 5 ngày trước đêm giao thừa, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước