Hội họa Việt Nam đã có những tên tuổi không chỉ ghi dấu ấn trong nước mà con tạo được thương hiệu trên thế giới. Đó là lớp họa sĩ thế hệ đầu của trường mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Công Văn Trung, Lê Văn Đệ, Tô Ngọc Vân,...
Vào tháng 12/2018, bức tranh Thiếu nữ cầm quạt của họa sĩ Nam Sơn đã mua với giá hơn 600.000 EURO sau thuế. Bức Thiền của tác giả Lê Phổ thực hiện cũng đạt mức giá tương đường 6,8 tỷ đồng. Bức tranh Mẹ ru con ngủ của danh họa Mai Trung Thứ được gõ búa với mức giá cao nhất, tương đương 11,7 tỷ đồng. Vào tháng 4/2021, bức tranh Chân dung cô Phượng của danh họa Mai Trung Thứ cũng đạt mức giá 72,1 tỷ đồng. Đây là tác phẩm có giá công khai cao nhất của nền mỹ thuật Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại. Đó là những gam màu tươi sáng của hội họa Việt Nam.
Thế nhưng, ở một khía cạnh khác, diện mạo của mỹ thuật đương đại Việt Nam còn rất nhiều mảng tối. Trong đó, nổi cộm nhất là tình trạng tranh giả tràn lan, từ các của hiệu nhỏ tới các phòng trưng bày sang trọng, thậm chí tới cả triển lãm trong bảo tàng lớn cùng bị lọt vào các tác phẩm đạo nhái. Đến mức, cả giới trong nghề và công chúng đều coi đây là chuyện thường ngày.
Tình trạng trên không phải điều mới. Nó đã tồn tại trong suốt nhiều chục năm qua. Các cơ quan chức năng cũng đã có những nỗ lực như thành lập các trung tâm kiểm định tranh. Nhưng vì nhiều lý do, những nỗ lực ấy dường như không đủ sức nắn lại một diện mạo méo mó của thị trường tranh thật – giả lẫn lộn.
"Tôi cho rằng sự truy vết những kẻ làm hàng giả trong nước và nước ngoài chưa thể được. Biết mười mươi là tranh giả nhưng họ vẫn đưa lên sàn đấu giá thành công, ở những nhà đấu giá uy tín trên thế giới. Trước đây, chúng ta nghĩ rằng phòng trưng bày là địa chỉ cửa sau để tranh giả tuồn ra ngoài nhưng giờ chính thức lại từ các nhà sưu tầm, điều đó không còn gì để nói. Từ đây chúng ta còn biết tin ai? Trách nhiệm của hội nghề nghiệp lúc này là lên tiếng ngay lập tức nhưng cũng chỉ để là lên tiếng, cảnh báo thôi chứ cho đến lúc này, chúng ta bất lực trong việc giải quyết nó. Đó là một tổn thương lớn danh dự của các bậc danh họa Việt Nam", Họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần thiết phải có luật mỹ thuật để giải quyết vấn nạn tranh giả một cách triệt để, trả lại sự trong sạch cho những người làm nghệ thuật chân chính, để mỹ thuật Việt Nam có thể tự tin khẳng định vị thế của mình trên thế giới, như từng có với thế hệ vàng của mỹ thuật Đông Dương đầu thế kỷ XX. Để làm được điều này, cần có ý thức từ chính công chúng, tẩy chay những tác phẩm vi phạm bản quyền. Đó là cách ý nghĩa nhất để tôn vinh những tác phẩm hội họa đích thực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!