Triển lãm cá nhân "Ghép ký ức" diễn ra từ 9-17h30 hàng ngày tại tầng 1 Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học. Triển lãm gồm 36 tác phẩm chất liệu acrylic.
Về tên triển lãm, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cho biết triển lãm là cái nhìn vào ký ức, vào nội tâm và quan sát tâm tưởng. Chị cho rằng người nghệ sĩ tồn tại, hay sống đúng nghĩa trong cõi đời này thông qua tác phẩm của họ, qua điều mà họ gửi gắm đến công chúng, hay họ sáng tạo cho chính mình, chỉ cần cảm xúc được trào ra. Qua thời gian, cảm xúc ấy sẽ tới gần hơn với công chúng.
Họa sĩ chia sẻ: "Tôi mang sự dương tính mãnh liệt của mình vào nghệ thuật theo một cách mê đắm của đàn bà. Tôi cũng mang sự đa dạng, đa diện của mình vào nghệ thuật một cách riêng có. Là một giáo viên đại học, một nhà khoa học, một phượt thủ thích một mình khám giá thế giới, một người vợ, một người mẹ, một họa sĩ… Quá nửa đời người, tôi cứ chia cuộc đời mình thành các đoạn, khám phá tột cùng những năng lực ấy, trải nghiệm rộng để rồi giờ gắng trở nên sâu lắng, đọng mình lại".
Chị cũng tiết lộ: "Có lẽ bởi vậy mà tôi ghép ký ức bằng những mảnh đa giác và những dòng màu tan chảy. Bởi thế, ở triển lãm này, tôi tự họa phần dương tính mạnh mẽ, sự khát khao muốn làm chủ chính mình. Tôi cũng khắc họa bản ngã đa diện, tìm hiểu rất rộng, khám phá bản thân ở những lĩnh vực khác nhau rồi đến nửa cuối cuộc đời, lắng đọng lại thật sâu. Đó cũng là quá trình tôi đi tìm tôi, biểu hiện phong cách bản thân bằng thủ pháp nghệ thuật của riêng mình".
Bình luận về triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nói: "Hình tượng đàn bà trong tranh Nguyễn Thu Thủy thoát khỏi cách thể hiện hình hài phụ nữ thông thường. Xử lý được các khối lập thể mà vẫn giữ được sự mềm mại của dáng hình. Các khối được làm vỡ nhưng tông màu chạy theo trục sáng tối nên không làm mất đi sự nữ tính vốn có của người phụ nữ mà chỉ là sử dụng một ngôn ngữ khác để diễn tả. Những đường lượn, đường cong được tạo khối, giải mã theo một ngữ nghĩa khác nên vẫn hết sức quyến rũ. Mạch lạc bởi các hình khối hình học mà mềm mại, ở góc độ nào đó khá gây sốc về thị giác.
"Các bức vẽ thể hiện một chặng đường tìm kiếm, vẫn phong cách đa giác với các hình khối lập thể nhưng sử dụng nhiều giải pháp khác nhau. Thủ pháp nghệ thuật có sự kết hợp giữa ngôn ngữ của đồ họa và hội họa. Những dòng màu lan chảy xao động hòa quyện tạo nên cuộc chơi của màu và cấu trúc khối. Chọn cách làm mới những tác phẩm kinh điển như Mona Lisa, Cô gái với chiếc khuyên tai ngọc trai, hay khắc họa lại những biểu tượng của sắc đẹp, của nữ quyền như Marilyn Monroe, Frida Kahlo… theo cách riêng của mình, đồng thời cũng khắc họa những trạng thái cảm xúc từ vui, buồn, giận hờn, mong ước, muộn phiền, khát khao…, họa sĩ Thủy vẽ ký ức của cô ấy" - họa sĩ Lương Xuân Đoàn đánh giá.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy sinh năm 1977. Chị là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành CLB Gốm Nghệ thuật, Chi hội phó Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam. Chị cũng là TS quản lý văn hóa, giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội.
Chị từng đoạt giải nhất thiết kế logo cho Hội Sinh viên Việt Nam, Đại hội Thi đua Toàn quốc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân Việt Nam… cùng nhiều giải thưởng khác trong thiết kế logo và tranh cổ động trong nước và quốc tế. Chị cũng từng được Huy chương đồng Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2005-2009.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đã tham gia 26 triển lãm trong nước và quốc tế. Đáng chú ý có Triển lãm Quốc tế tranh cổ động phòng chống virus Corona chủng mới (5/2020), Hiệp hội Nghệ sĩ Chiết Giang, Trung Quốc. Tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật Bắc Kinh xếp loại xuất sắc. Ngoài ra chị còn tham gia Triển lãm Nghệ thuật Thị giác quốc tế Euroamericana (10/2019) tại Cusco (Peru); Triển lãm trao đổi quốc tế (11/2019) tại Tokyo (Nhật Bản)....
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!