“Treo cổ trâu, chém lợn...trong lễ hội là những hành vi man rợ“

Theo Đào Bích/VOV-Thứ ba, ngày 07/02/2017 17:12 GMT+7

VTV.vn - Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền cho rằng, việc treo cổ trâu, chém lợn...là những hành vi man rợ trong lễ hội được phục dựng quá đà.

Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với phóng viên VOV.VN về việc phục dựng lễ hội hiện nay.

PV: Tục chém đầu lợn, treo cổ trâu hay mới đây là việc một sư thầy ném lộc, dưới con mắt của một chuyên gia nghiên cứu văn hóa, ông bình luận gì về những hình ảnh này?

Ông Bùi Trọng Hiền: Ở góc độ giáo lý của đạo Phật, rõ ràng đây là những hình ảnh phản cảm, đi ngược lại với nguyên tắc của giáo lý nhà Phật. Đức phật Thích Ca khi sáng tạo ra đạo Phật đã lấy căn cốt, của giáo lý là rời bỏ ham muốn trần tục.

Hành vi ném lộc, góp phần kích động cả một đám đông, dẫn đến sự chen lẫn, tranh cướp của sư thầy hoàn toàn đi ngược lại tôn chỉ của Phật giáo. Đáng tiếc hơn, hành vi này được đưa vào cửa chùa, xảy ra ngay giữa sân chùa.

Thuyết luân hồi nhân quả dạy con người phải làm việc tốt, hành xử thánh thiện, đó là cách tu tâm tích đức tốt nhất.

Phật giáo không dạy con người tham lam giống như việc cướp lộc hay việc "ban tài phát lộc" giống như các chân đồng tứ phủ.

Chiếc vòng lưu niệm, khi in hình tượng Phật lên đó, cả người xin lẫn người cho cần thể hiện sự tôn kính chứ không ai cầm tượng Phật để ném như thế!

Việc sư thầy cầm tượng phật ném nào dân gian là hành vi rất hoang dã.

PV: Những hình ảnh đó bộc lộ điều gì, thưa ông?

Ông Bùi Trọng Hiền: Hành vi đó là biểu hiện sống động của đời sống Phật giáo ngày nay. Khác với Phật giáo nguyên thủy, của giáo lý tín ngưỡng.

Vài chục năm trở lại đây, nhiều nhà sư có những hành động phản cảm. Người thì mua ô tô, uống rượu thịt chó trong chùa, đắp điếm xây chùa thật to. Đỉnh điểm của sự biến tướng chính là hành vi cúng sao giải hạn.

Trong giáo lý Phật giáo không có dâng sao giải hạn, mà chỉ dạy con người tu tâm, tích đức, làm việc thiện, có tâm tốt mới có quả tốt. Không thể bỏ tiền ra để thay đổi số phận. Thực chất hành vi cúng sao giải hạn chính là bỏ tiền ra, nhờ thầy cúng để thay đổi được số phận.

Về mặt xã hội, hành vi này đã thương mại hóa tâm linh. Đối với giáo lý nhà Phật thì đây là điều hoàn toàn nhảm nhí. Người giàu có thể dùng tiền "giải hạn" để thay đổi số phận còn người nghèo không có tiền giải hạn thì sẽ gặp tai ương? Điều này hoàn toàn không có cơ sở. Nếu ai đó tin rằng càng cúng nhiều càng khỏe, càng giàu thì đây là tư tưởng hoang đường, lạc hậu, nhà Phật gọi là dị giáo. Hiện tượng các ngôi chùa cúng sao giải hạn, lấy tiền thiên hạ chính là sự biến tướng của Phật giáo.

PV: Những hành vi như chém đầu lợn, treo đầu trâu là sự biến tượng hay là nét nguyên thủy có trong các lễ hội, cổ tục?

Ông Bùi Trọng Hiền: Hành vi đả thương, giết con vật đều là cổ tục nguyên bản. Nhưng ở thời xưa, người ta xem đó là chuyện bình thường. Còn trong xã hội văn minh và hiện đại ngày nay, việc đâm, chém, giết con vật đã không còn phù hợp.

Thế giới đang kêu gọi bảo vệ động vật. Cho nên việc làm sống dậy các tục lễ đâm giết các con vật đã đi lại với xu thế phát triển chung của văn minh con người. Đó là hành vi man rợ.

PV: Vậy sự biến tướng của các lễ hội xuất phát từ đâu, thưa ông?

Ông Bùi Trọng Hiền: Một phần xuất phát từ công cuộc phục hồi các lễ hội của các chuyên gia văn hóa. Công tác phục dựng các lễ hội đã bị làm quá đà. Vô số các lễ hội đã được phục hồi và hầu hết trong đó đều có hành vi giết con vật, được làm sống dậy một cách nguyên vẹn. Đấy là một nghịch lý lớn mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt.

PV: Vậy các nhà quản lý, tổ chức cần làm gì để tránh được những hình ảnh phản cảm trong lễ hội?

Ông Bùi Trọng Hiền: Điều này là rất khó vì chúng ta đã lỡ phục dựng rồi, bây giờ mà bỏ là rất khó. Sai lầm lớn nhất là chúng ta đã phục dựng một cách tràn lan và không có lựa chọn.

Chuyện đả thương để có được bông tre có từ thời cổ trong Hội Gióng, chuyện chém đầu lợn hay treo cổ trâu, hoàn toàn là những cổ tục được phục dựng. Theo quan niệm của các cụ, hành vi "đả thương" sẽ mang lại tính chất thiêng liêng cho lễ hội. Thậm chí, nếu trong lễ hội đó có "đả thương" mà xảy ra án mạng thì quan cũng bỏ qua không xét xử.

Nhưng đó là trong xã hội phong kiến. Còn bây giờ, rõ ràng nếu xảy ra điều đó nghĩa là xâm phạm quyền con người, vi phạm pháp luật.

Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta đã trót tôn vinh các lễ hội đó, trót khuyến khích cộng đồng quay lại phục dựng lễ hội. Các lễ hội đó còn được núp dưới một "lá kim bài" là "di sản thế giới". Tục "đả thương" trong Hội Gióng được nằm trong một quần thể đó là Hội Gióng và đã được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể thế giới, cần bảo tồn và giữ gìn.

Đã có ý kiến là cần lược bỏ hành vi "đả thương" nhưng như thế thì Hội Gióng không còn là Hội Gióng. Và người dân địa phương chắc chắn sẽ không đồng ý với việc lược bỏ một phong tục trong lễ hội. Họ cho rằng lược bỏ cổ tục sẽ làm mất tính thiêng.

Tâm tính tiểu nông của người Việt vẫn rất thích oai. Họ tự hào khi làng mình có tục lệ khác hẳn với làng khác và xem đó là sự độc đáo, khác biệt.

PV: Trào lưu phục dựng lễ hội bắt đầu từ đâu, thưa ông?

Ông Bùi Trọng Hiền: Sau năm 1954, chúng ta đã cắt bỏ gần như hết tất cả các lễ hội. Và gần như hội hè đã biến mất trong đời sống người dân Việt hàng chục năm. Nhưng từ năm 1990, các nhà nghiên cứu như chúng tôi bắt đầu đi sưu tầm, tổ chức, phục dựng theo một xu hướng về nguồn. Trong quá trình đó, chúng ta chủ trương càng tái hiện nguyên vẹn càng tốt.

Ngay khi nhận ra các lễ hội, cổ tục đã được phục dựng quá đà. Chính chúng tôi cũng cảm thấy có lỗi khi chứng kiến cảnh nhiều người rơi vào tình trạng mê tín dị đoan, cúng bái quần quật.

Nhìn ra thế giới mới thấy chúng ta đang càng ngày càng lạc hậu về mặt tâm linh.

PV: Một người từng góp phần phục dựng lễ hội nay lại cảm thấy có lỗi, ý kiến này của ông đã được nói ra ở cuộc hội thảo nào về văn hóa chưa?

Ông Bùi Trọng Hiền: Tôi nói rất nhiều nhưng việc ai nói cứ nói, người làm cứ làm. Bởi việc phục dựng lễ hội có lợi cho rất nhiều người, nhiều cấp, ngành.

Phục dựng lễ hội có tôn chỉ rất rõ đó là thu hút du lịch tâm linh. Chính các nhà quản lý đang đề ra khẩu hiệu đó. Và đã là du lịch nghĩa là thương mại hóa tâm linh, biến tâm linh thành một thứ hàng hóa.

Cho nên tôi phản đối khái niệm du lịch tâm linh. Tôi sợ đi lễ hội. Bởi tất cả các lễ hội phục dựng đều đơn điệu và na ná nhau, từ quần áo đến nghi thức.

Căn cốt tiểu nông của người Việt là Thánh làng nào làng ấy thờ, Chùa làng nào làng ấy giữ. Điều này thể hiện sự chia nhỏ, tiểu mục, không có hệ tư tưởng tâm linh lớn mà chỉ gói gọn trong lũy tre làng.

Tâm lý đám đông cũng là một phần nguyên nhân gây nên sự biến tướng trong lễ hội. Dân trí thấp, hiểu biết hạn chế thì sự chi phối đó càng mạnh.

Tục đốt vàng mã, ngày xưa được cho là nhảm nhí thì nay chúng ta lại tôn sùng. Theo tích cổ của Trung Quốc, câu chuyện này xuất phát từ một truyện cười dân gian. Một người bán giấy vì ế khách nên đã nghĩ kế giả chết. Trước khi "giả chết", anh ta vẽ rất nhiều tiền giấy và dặn vợ mang ra đốt dưới chân quan tài. Khi người vợ châm lửa đốt "tiền giấy" thì người chồng sống lại. Nhiều người đi qua thấy vậy và họ tin vào câu chuyện "đốt nhiều tiền giấy" thì người chết sẽ sống lại.

PV: Xin cảm ơn ông.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước