Tre già mà măng chưa kịp lớn trong đội ngũ lý luận phê bình văn học nghệ thuật

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 20/06/2023 13:58 GMT+7

VTV.vn - Lý luận phê bình văn học nghệ thuật là nghề đòi hỏi sự dấn thân, chịu khó nhưng chẳng đủ nuôi sống người viết.

Nhiều thập kỷ qua, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam thường được ví như chiếc roi ngựa, "quất" vào con ngựa sáng tác để thúc đẩy, cổ vũ, động viên văn nghệ sĩ mang đến những sáng tác có chất lượng, phục vụ nhân dân và đất nước. Trong những năm trước, mỗi bộ môn nghệ thuật đều từng có một đội ngũ phê bình của mình, từ sân khấu, mỹ thuật, điện ảnh đến nhiếp ảnh… Trong đó, văn học có đội ngũ phê bình lý luận đông đảo hơn cả. Ngoài ra, nhiều nhà báo chuyên nghiệp tham gia viết bình luận tác phẩm, tạo nên một đời sống phê bình lý luận khá sôi động.

Tuy nhiên, hiện nay, ngoài văn học còn nổi lên một số cây viết phê bình trẻ thì hầu như các loại hình nghệ thuật khác đều vắng bóng. Sự thiếu hụt đội ngũ kế cận rất đáng báo động, tre già mà măng chưa kịp lớn.

"Hiện nay, đội ngũ của chúng ta ở một số lĩnh vực rất mỏng. Chất lượng, hiệu quả của công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa được như mong muốn. Từ nhiều năm nay, các sinh viên từ trường đại học, Viện nghiên cứu không chọn ngành lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Một số nhà trường có khoa lý luận đều vắng bóng sinh viên, thậm chí có năm không chiêu sinh được, hoặc quá ít vì nghề này là nghề phải dấn thân, chịu khó nhưng không đủ sống. Có một số lĩnh vực có tình trạng đáng báo động, bởi sự thiếu hụt này không thể bù đắp trong ngày một ngày hai", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho hay.

"Tôi hỏi rằng là ở Việt Nam có ai sống bằng nghề phê bình không? Có trường nào đào tạo phê bình không? Nếu các được đạo tạo ra rồi thì khi các em nói đúng, nói được, liệu có ai bênh vực các em không? Có ai lắng nghe và chấp nhận với đội ngũ phê bình như vậy? Bản thân người Việt Nam chưa coi đó là một nghề. Kể cả người trong giới cũng né tránh và không coi đó là một nghề", PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm – Khoa Nghệ thuật, Đại học Sài Gòn chia sẻ.

Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, ai cũng có thể đưa ra ý kiến. Người người có thể trở thành nhà phê bình. Thế nhưng, những nhà phê bình có phương pháp, chuyên môn, được đào tạo bài bản vẫn là thực tế "đốt đuốc mới đi tìm".

Không chỉ thiếu không gian, diễn đàn, ngành lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn có cả khoảng trống trong đào tạo. Nhìn sang mảng điện ảnh, cả nước chỉ có một cơ sở đào tạo chuyên ngành Lý luận, phê bình điện ảnh chính quy là trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Tuy nhiên, đây là chuyên ngành ít sinh viên đăng ký học nhất, đã có những khóa trường không thể tuyển sinh vì quá ít ứng viên. Gần đây nhất, mùa tuyển sinh năm 2019 chỉ tuyển được có 3 sinh viên, cuối cùng trường phải hoãn khóa học này. Nghĩa là việc đào tạo lý luận, phê bình điện ảnh đang dừng lại ở khóa 38, trong khi năm nay các ngành của trường đã bắt đầu tuyển sinh khóa 42.

Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh từng có khoa Lý luận, phê bình Sân khấu, Điện ảnh. Tuy nhiên, đã nhiều năm nay không còn ngành đào tạo này nữa! Một số trường đại học có mở ngành Nghiên cứu, lý luận, lịch sử, phê bình điện ảnh và truyền hình, nhưng cũng chưa có hệ thống và chưa thấy được hiệu quả của "sản phẩm" đào tạo. Vậy hướng đi nào để có thể có một đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật kế cận thật sự có chất lượng?

Theo TS Ngô Phương Lan, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thường tổ chức lớp bồi dưỡng hàng năm cho các cây viết lý luận, phê bình, với nhiều chuyên đề cho các chuyên ngành.

"Những lớp học có mời giảng viên, chuyên gia hay kể cả các nghệ sĩ, nhà văn trong lĩnh vực sáng tác để trao đổi với học viên, về những vấn đề trong đời sống văn học nghệ thuật hiện nay. Việc lên lớp dành thời lượng thỏa đáng cho thảo luận, trao đổi, đối thoại và tranh luận. Sau những buổi học như vậy, họ thấy thu nhận được những kiến thức, phương pháp lý luận, phê bình", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết thêm.

Một điều cần nhấn mạnh là nhân tố con người, yếu tố đội ngũ luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu của bất cứ lĩnh vực nào, càng quan trọng và cấp thiết hơn đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Cần có cơ chế chính sách đủ hấp dẫn để có thể thu hút đội ngũ nhân lực trẻ tham gia học tập nghiên cứu các ngành lý luận và phê bình, bên cạnh đó thúc đẩy và phát triển đội ngũ giảng viên hữu cơ gắn bó với nghề. Bởi có phê bình thì mới có phát triển, mới tạo được động lực thúc đẩy các sáng tác văn học nghệ thuật ngày càng có chất lượng.

Nâng cao lý luận phê bình văn học nghệ thuật Nâng cao lý luận phê bình văn học nghệ thuật

VTV.vn - Chiều 11/4, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa có buổi làm việc với Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước