Trần Thụy Miên “lột xác” nhờ Sao Mai

T.Huyền/Ảnh: Nhân vật cung cấp-Thứ bảy, ngày 17/08/2013 07:00 GMT+7

 Từ một cô gái rụt rè, thiếu kinh nghiệm của Sao Mai 2011, sau 2 năm, Thụy Miên đã dần “lột xác” trở thành một giọng ca có bản lĩnh trên sân khấu của Sao Mai 2013.

Từng thất bại ở vòng khu vực của mùa giải trước, nhưng Trần Thụy Miên đã trở lại thành công trong mùa Sao Mai lần thứ 9 trong vai trò đại diện của dòng nhạc dân gian của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. VTV News đã có cuộc trò chuyện với giọng ca xứ Nghệ này để lắng nghe câu chuyện 2 năm chuẩn bị đến với chung kết Sao Mai 2013.

‘ Cho đến thời điểm này, bạn có bao giờ nghĩ về nguyên nhân khiến bạn thất bại ở SM 2011?

- Cách đây 2 năm, khi thi Sao Mai lần đâu tiên, mình chỉ nghĩ rằng đó là một lần trải nghiệm cảm giác được đứng trên một sân khấu lớn, chuyên nghiệp. Cũng vì lẽ đó, tâm lý thi cử của mình cũng được thoải mái. Thêm nữa, khi nhìn lại, mình thấy hồi đó mình đi thi mà không có chuẩn bị nhiều, mới vào Nhạc viện nên kỹ thuật thanh nhạc còn kém, bản lĩnh và kinh nghiệm sân khấu chưa có nhiều. Mình đã nghĩ “rớt là đúng rồi”. (Cười)

Cảm giác khi đó như thế nào?

- Bị loại ở vòng chung kết khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong Sao Mai 2011 đã khiến mình rất buồn, nhưng đó chính là động lực giúp mình có khát khao “phục thù” trong Sao Mai năm nay.

Có thể nói, bạn đã “phục thù” được khi giành chiếc vé đến đêm chung kết toàn quốc, thành công đó có phải do may mắn?

- Thành công là do cả một quá trình luyện tập, khổ công mới có được, còn may mắn chỉ đóng góp một phần mà thôi. 2 năm qua, mình đã phải học tập rất nhiều, học trên lớp, ở nhà, đến nhà các thầy cô hướng dẫn học thêm. Mỗi ngày, việc đầu tiên sau khi thức dậy là luyện thanh với cây đàn piano trong khoảng vài ba tiếng đồng hồ. Hầu như ngày nào mình cũng luyện thanh. Nhiều khi nó khiến mình có cảm giác bị “ bội thực” âm nhạc.

Vất vả như vậy, có khi nào bạn muốn bỏ cuộc?

- Để theo đuổi đam mê đứng trên sân khấu của Sao Mai thì các thí sinh luôn phải đối mặt với khó khăn. Với mình cũng như vậy, đã có những lúc mình muốn bỏ cuộc. Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hai năm chuẩn bị cho Sao Mai 2013 chính là trong vòng khu vực vừa qua. Do áp lực tinh thần, hôm thi sơ loại, mình đã có dự thi không được tốt. Ngay sau đó, đã có nhiều dư luận không hay khiến mình cảm thấy buồn và chán nản. Thậm chí, mình khóc và nói với giảng viên chủ nhiệm - NSƯT Thu Lan - “Cô ơi! Con không thi nữa”. Nhưng cô đã động viên mình đi thi rất nhiều. Cũng nhờ có cô, mình quyết định phải thi để chứng minh khả năng của mình.

Sau 2 năm vất vả luyện tập, bạn thấy mình đã có gì thay đổi?

- Tất nhiên là có nhiều thứ đã thay đổi, nhưng mơ ước dành cho sân khấu lớn Sao Mai thì vẫn vậy, thậm chí khát khao đó ngày càng lớn hơn. Sau 2 năm học tập, rèn luyện, mình đã có sự tiến bộ hơn một chút, “lớn” hơn trong cách cảm nhận một ca khúc, các trạng thái cảm xúc cũng rõ ràng hơn. Song, đó chỉ là sự so sánh với mình của 2 năm trước, còn đối với những thí sinh khác cũng thi Sao Mai năm nay, có lẽ sự tiến bộ này chưa là gì cả.

‘ Bạn cảm thấy như thế nào về những đối thủ của bạn trong dòng nhạc dân gian Sao Mai 2013?

- Các bạn tham gia thi dòng nhạc dân gian năm nay có chất giọng đẹp, nhiều màu sắc, đặc biệt 2 bạn nam của khu vực châu Âu đều là những thí sinh hát tốt. Dù chưa được đào tạo về chuyên môn nhưng họ sẽ là những đối thủ “đáng gờm” vì giọng hát của họ đều rất giàu cảm xúc, dễ đi vào lòng người.

Vậy bạn có cảm thấy áp lực?

- Đã đi thi thì ai cũng sẽ bị những áp lực, lo lắng. Nhưng mình luôn cố gắng tạo ra những suy nghĩ tích cực để củng cố tâm lý. Mình nghĩ, đây là lần thứ hai mình thi rồi, nên mình sẽ cố gắng hết sức để làm cho tốt phần thi. Đối với giải thưởng thì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Người ta cũng có câu “học tài thi phận”, thi cử cũng có cái duyên may mắn của nó. Mình cứ hát vì chính bản thân mình, đáp lại sự ủng hộ người thân, gia đình và bạn bè là được.

Trong vòng chung kết toàn quốc này, bạn có kế hoạch chuẩn bị nào chưa?

- Năm nay, đêm chung kết mình sẽ trình bày 2 ca khúc là Con sông tuổi thơ tôi (NS Tuấn Phương), và ca khúc mới Gái Nghệ (NS Phạm Phương Thảo). Lúc đầu, mình dự định sẽ chọn hai bài hát về Nghệ An – quê hương mình. Nhưng khi được các thầy cô trong trường tư vấn, mình đã quyết định chọn hai ca khúc này. Nếu bài hát Con sông tuổi thơ tôi là một bài hát nhẹ nhàng, tình cảm, thì Gái Nghệ lại rất gai góc, cá tính. Mình nghĩ sự lựa chọn này sẽ tạo ra bất ngờ trong đêm thi tới.

Thể hiện một ca khúc mới như Gái Nghệ có làm khó bạn?

- Đúng là thể hiện tốt được ca khúc mới như Gái Nghệ thì sẽ khá vất vả. Đặc thù của nhạc dân gian là nếu chỉ nghe lần đầu thì chưa thể thích ngay được, mà cần phải nghe đi nghe lại nhiều lần, để thấu hiểu những cảm xúc trong bài hát, như vậy khi trình bày mới có thể chạm tới trái tim của người nghe. Vì vậy, với bài hát mới này, mình đã bỏ rất nhiều công sức để “cảm” lời bài hát, sau đó thể hiện cảm giác đó qua giọng hát của mình.

Bài hát Gái nghệ kể về một cô gái Nghệ An đầy gai góc và cá tính, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Khi hát ca khúc này, mình như được nhìn thấy chính bản thân trong đó. Đây cũng là một yếu tố thuận lợi giúp mình có thể sống, yêu với bài hát này và tự tin thể hiện nó tới khán giả.

‘ Bên cạnh việc chú trọng đến cảm xúc khi thể hiện bài hát, các yếu tố kỹ thuật thanh nhạc sẽ được bạn thể hiện như thế nào?

- Theo mình nghĩ, dòng nhạc dân gian không phải lúc nào cũng cần các yếu tố kỹ thuật khi thể hiện. Nếu như có thể kết hợp hai yếu tố đó là tốt nhất. Nhưng với bài hát Gái Nghệ này, mình không muốn sử dụng nhiều đến kỹ thuật mà muốn sử dụng sự nhẹ nhàng, mềm mại, luyến láy nhiều hơn.

Theo bạn, làm thể nào để bạn có thể thăng hoa cùng với tác phẩm và tạo nên một phần thi thành công nhất?

- Yếu tố quyết định để mình thành công trong các phần thi đó chính là tâm lý và cảm xúc. Mình rất đam mê nhạc dân gian, nó đã ngấm vào máu rồi, vì thế khi hát, tâm trí mình có thể hòa cùng bài hát, hoàn toàn trống rỗng. Chỉ khi đi theo những cảm xúc của bài hát, thăng hoa cùng những cảm xúc đó, mình sẽ thả hết tâm hồn cùng với bài hát.

Chúc bạn sẽ thành công!

Đêm chung kết toàn quốc dòng nhạc dân gian sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1 vào 20h tối nay. Mời quý vị khán giả đón xem!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước