Toba Mika: 20 năm vẽ Việt Nam trên tranh nhuộm

Thu Trang-Thứ tư, ngày 20/11/2013 20:59 GMT+7

 Phong cảnh Việt nam và nghệ thuật truyền thống Nhật bản đã thực sự hòa quyện dưới đôi tay tài hoa của nữ họa sĩ Nhật Toba Mika.

Tới Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1994, cuộc sống và con người nơi đây đã nhanh chóng chiếm trọn trái tim nữ họa sĩ đến từ đất nước hoa Anh Đào. Những con phố nhỏ của Hà Nội, những ngôi nhà ven sông ở TP. Hồ Chí Minh, những âm thanh lao xao của một cuộc sống đô thị đang phát triển, phong cảnh miền nhiệt đới... tất cả đã để lại những ấn tượng đẹp nơi Toba Mika.

Bà đã tìm thấy ở xứ sở này một cuộc sống sôi động, những mâu thuẫn lý thú, những biến chuyển linh hoạt vốn không còn tồn tại trong một đất nước phát triển như Nhật Bản. Chính điều đó đã tạo cho nữ họa sĩ nhiều cảm hứng sáng tác, để rồi suốt 20 năm qua Toba Mika theo đuổi đề tài duy nhất: Việt Nam. Một Việt Nam chuyển động nhưng tĩnh lặng, trên mặt tranh nhuộm Katazome truyền thống Nhật Bản.

“Năm 1994 chính là thời điểm tôi đi tìm mô-típ cho tác phẩm mới của mình. Tôi đi như có ai đó dẫn dụ và quả thực đã được hội ngộ với những cảnh vật, cảnh tượng mang tính định mệnh trong sáng tác của tôi sau này. Trong một ngày mưa dông, khi bắt gặp cảnh những mái nhà liêu xiêu như nương tựa vào sông Sài Gòn ở khuất sau một thành phố ồn ào, tấp nập, tôi có cảm giác như mình là nhân chứng lịch sử cho một thời kỳ gian khó của đất nước này. Mà không, không hẳn tôi là chủ thể chứng kiến quang cảnh đó, chính chúng mới nhìn tôi và vẫy gọi lại. Phố phường ở đây tràn đầy năng lượng, giống như nước Nhật năng động trước đây. Điều đó đã thôi thúc tôi phải làm điều gì đó với đất nước này” Toba Mika chia sẻ.

Đối với một họa sĩ, cái nhìn riêng biệt chính là con đường dẫn tới sự thành công của các bức họa. Rất nhiều họa sĩ Việt Nam đã và đang vẽ đất nước mình, thán phục cái nhìn sâu sắc có tính văn hóa của Toba Mika về Việt Nam. Họa sĩ đọc được qua mỗi phong cảnh một câu chuyện, một tương lai bất định và nỗi lo lắng về sự mất cân bằng giữa đời sống văn hóa và môi trường thẩm mỹ. Mỗi góc phố, khung cửa, bậc thềm, bãi biển, cửa sông, xóm chài, khu ổ chuột, tuyến đường tàu đâm vào thành phố… đều như ngẫu nhiên nhưng lại là tất yếu của cả quá trình chuyển đổi từ bao cấp sang kinh tế thị trường. Ở đó tâm hồn luôn hoài niệm, vọng tưởng, quá khứ và hiện tại đan xen với hàng vạn điều thuộc về con người, phức tạp đến khó tin. Bên cạnh đó là tâm hồn dịu dàng của chính họa sĩ làm nên mỗi tác phẩm như một bài thơ đầy ánh sắc.

‘ Tồn tại từ thế kỷ 12, tranh nhuộm màu Katazome là nét văn hóa độc đáo được người dân Nhật bản trân trọng, thừa kế từ bao đời nay. Nó đòi hỏi tài năng, sự tinh tế và công phu của người nghệ sĩ mà chính họa sĩ Toba Mika là người đã dồn hết tâm huyết để bảo tồn và cách tân cho phù hợp với sự phát triển của thời đại.

“Việt Nam là đất nước mưa nhiều, độ ẩm cao, nhiều sông hồ. Thực ra các công đoạn của nhuộm cũng vậy. Tôi cũng phải sáng tác trong sự tương tác với nước và độ ẩm. Bởi vậy, khi ngắm phong cảnh Việt Nam, tôi luôn liên tưởng đến những công đoạn nhuộm và trong đầu xuất hiện ý tưởng mới để cải tiến kỹ thuật đó. Vì đây là kỹ thuật cổ từ hơn 1.000 năm, nên mỗi phong cảnh, cảnh vật của Việt Nam đều gợi ý cho tôi một điều gì đó.” nữ họa sĩ cho biết thêm.

Katazome phù hợp để in tranh khổ lớn, vì thế các bức tranh của Toba Mika đều có kích cỡ khổng lồ, có bức rộng đến cả chục mét vuông. Trong tranh Toba Mika tồn tại nhiều điều tương phản. Kích cỡ lớn nhưng kiệm màu, thông thường chỉ sử dụng một hay hai màu chủ đạo. Cảnh sắc trong tranh quen mà lạ, quen vì đó là những khung cảnh thường thấy của cuộc sống, có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam, lạ vì cách thể hiện của họa sĩ. Ánh nhìn trìu mến của Toba Mika đối với cảnh vật phản chiếu lên những bức tranh một cuộc sống rộn ràng nhưng được bao phủ bởi bức màn tĩnh lặng.

Hàng loạt những bức tranh khổ lớn khắc họa cảnh sắc thay đổi của các vùng, miền trên đất nước Việt Nam qua cảm nhận của nữ họa sĩ Toba Mika như: Ánh sáng Việt Nam, Hồi tưởng Việt Nam, Nhắn Hà Nội, Mỹ Sơn, Dòng sông qua kinh thành Huế, Rời Đà Nẵng, Phố cũ Sài Gòn, Chợ Lớn, Phố phường Hoàn Kiếm...như dòng chảy thời gian về một Việt Nam đang thay da đổi thịt.

‘ Bằng một tình yêu đặc biệt dành cho Việt Nam, Toba Mika đã lưu lại những cảnh vật không thể thấy lại của mảnh đất này trên tác phẩm của mình. Đó sẽ là những tư liệu lịch sử quý báu, giúp ích cho các thế hệ trẻ tìm hiểu về chân dung các thành phố của Việt Nam.

Toba Mika tốt nghiệp cao học trường Đại học Mỹ thuật thành phố Kyoto. Với chuyên môn chính là nghệ thuật nhuộm màu, nữ họa sĩ đặc biệt quan tâm đến Katazome, phương pháp nhuộm màu truyền thống Nhật Bản nên đã giành trọn tâm lực vào việc nghiên cứu và sáng tạo các tác phẩm Katazome.

Nữ họa sĩ Toba Mika đã được Bô Văn hóa-Thể thao-Du lịch Việt Nam trao tặng huân chương vì sự nghiệp văn hóa để ghi nhận những đóng góp của bà trong những hoạt động giao lưu văn hóa Việt-Nhật.

Triển lãm lần thứ 5 tại Việt Nam của Toba Mika với chủ đề Cảnh vật trong hoài niệm sẽ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vào ngày 22/11.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước