Tín ngưỡng thờ Mẫu chứa đựng nhiều giá trị đạo đức và nhân
văn sâu sắc. Đó là tâm thức "Uống nước nhớ nguồn," trong đó người Mẹ
- Mẫu là trung tâm. Đây là di sản phi vật thể vô giá, có giá trị tinh thần to lớn
của nước ta.
Hầu đồng là nghi lễ chính trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
Những người lên đồng hóa thân thành các vị Thánh Mẫu, thể hiện sắc diện và động
thái đặc trưng trong không gian văn hóa linh thiêng. Trên nền tảng của tín ngưỡng
thờ nữ thần, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - một hình thức thờ cúng người mẹ hình
thành và phát triển mạnh mẽ. Họ thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị
Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước. Mẫu được thờ ở nhiều nơi, từ các Phủ
lớn đến điện tư gia.
Từ thế kỷ XVI, tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành một sinh hoạt
văn hoá tâm linh có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người
dân.
Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có
lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Giá trị cốt
lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu là tâm hướng thiện, bởi mỗi người mẹ đều dạy con phải
tu nhân tích đức, làm đẹp cho xã hội. Người đến thờ Mẫu tâm phải sáng, trong cuộc
sống thể hiện là người biết ăn ở, biết đối nhân xử thế, thành tâm thờ phụng ông
bà tổ tiên, cao hơn là biết ơn những người có công với dân, với nước theo đạo
lý "uống nước nhớ nguồn" của người Việt.
Giá trị văn hóa Việt mang nhiều ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu
sắc chứa đựng trong tín ngưỡng thờ Mẫu cùng cách thức thực hành độc đáo,phong
phú và sinh động đã tạo nên sức sống lâu bền của tín ngưỡng độc đáo này.
Để tôn vinh giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, năm 2012, Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa "Nghi lễ chầu văn" vào danh sách di
sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!