Tiểu thuyết lịch sử khởi sắc nhưng thiếu vắng phim lịch sử xứng tầm

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 04/09/2023 15:14 GMT+7

VTV.vn - Tiểu thuyết lịch sử đang cho thấy những dấu hiệu nở rộ trong dòng chảy văn học Việt. Tuy nhiên, những bộ phim lấy kịch bản từ tiểu thuyết lịch sử lại đang thiếu vắng.

Trong văn học Việt Nam hiện đại, văn học về đề tài lịch sử là dòng chảy có phần nhỏ bé, mờ nhạt. Nhưng thời gian gần đây, những tín hiệu đáng mừng ở thể loại này đang xuất hiện. Số lượng tác giả, tác phẩm về lịch sử đã tăng lên, nhiều tác phẩm không chỉ giành giải cao của hội nghề nghiệp mà còn được tái bản nhiều lần, cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của độc giả. Đặc biệt, sự nở rộ của tiểu thuyết lịch sử, tái hiện đời sống đất nước từ hàng chục thế kỷ trước đã thực sự tạo ra một trải nghiệm mới mẻ, thú vị với những người yêu văn chương.

"Trong 5 năm trở lại đây, tôi cũng tham dự khoảng 10 cuộc hội thảo về tiểu thuyết lịch sử. Điều đó chứng tỏ văn chương Việt Nam phát triển đa dạng hơn, phong phú hơn. Gần đây, tôi thấy đã có những khuynh hướng, tác phẩm viết nhiều về thời đại nhà Hồ, nhà Nguyễn, điều đó hết sức đáng mừng. Điều đó cũng cho thấy nhà văn đã theo kịp sự chuyển động, cùng với tư duy mới về nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam, kích hoạt trình độ viết văn cao hơn, đồng thời cách nhìn không chỉ một chiều, khiến người đọc suy tư, cảm nhận nhiều hơn", TS. Hà Thanh Vân - Viện Khoa học, Văn hóa và Giáo dục, Đại học Hùng Vương cho biết.

Nhà văn Pháp Alexandre Dumas từng nói: "Lịch sử chỉ là những cái đinh để tôi treo những bức tranh của tôi". Nghĩa là nhà văn bằng trí tưởng tượng của mình làm cho những sự kiện lịch sử khô khan trở thành những đoạn phim đầy đặn sống động, biến nhân vật lịch sử thành những con người với nội tâm sâu thẳm. Thế giới từng ghi nhận nhiều tiểu thuyết kinh điển được chuyển thể sang sân khấu, điện ảnh như Chiến tranh và hòa bình, Tam quốc diễn nghĩa…Ở Việt Nam, cũng đã có những dấu ấn điện ảnh lấy kịch bản từ tiểu thuyết lịch sử.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - người được mệnh danh là nhà chép sử bằng văn chương - đã viết nên tiểu thuyết lịch sử Đêm hội Long trì. Từ tiểu thuyết đến màn ảnh, sau hơn 30 năm ra mắt, đây vẫn được xem là tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam, theo nhiều nhà phê bình, cho đến nay vẫn chưa có một tác phẩm nào có thể vượt qua được. Một trong những cơ sở để có phim lịch sử chính là nương tựa vào những tiểu thuyết lịch sử, là sự nhào nặn của người đạo diễn dựa trên sự dày công nghiên cứu của tác giả văn học.

Sau Đêm hội Long trì, đã có những bộ phim lịch sử ăn khách như Thiên mệnh anh hùng - dựa theo tiểu thuyết Bức huyết thư của Nhà văn Bùi Anh Tấn - giải mã thảm án Lệ Chi Viên. Hay Khát vọng Thăng Long về cuộc đời vua Lý Công Uẩn, Mỹ nhân kế là hình ảnh về nước Đại Cồ Việt. Thị trường điện ảnh Việt ra mắt hàng chục tác phẩm mỗi năm, số lượng phim về đề tài lịch sử đến nay còn ít ỏi dù tiềm năng là rất lớn.

Các tác phẩm điện ảnh lớn của Việt Nam được chuyển thể từ tiểu thuyết lịch sử chưa nhiều, đó là điều đáng tiếc. Hơn nữa, tuy văn học lịch sử có khởi sắc trong những năm gần đây nhưng so với chiều dài ngàn năm của đất nước, những vùng lõm, điểm mờ lịch sử còn nhiều, còn dư địa rất lớn cho văn chương. Một sự đầu tư thỏa đáng cho mảng văn học lịch sử đang là vấn đề được đặt ra.

Tiểu thuyết lịch sử được ví như một cây cầu nối với quá khứ, đồng thời truyền cảm hứng tự cường dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu quê hương, đặc biệt là với độc giả trẻ. Bởi khi lịch sử được soi rọi dưới những góc nhìn đa chiều, trong đó có số phận con người gắn với vận nước, chính là cách lịch sử được sống bền bỉ hơn trong tâm thức con người đương đại. Sứ mệnh ấy của văn học lịch sử cần được nhìn nhận sâu sắc hơn nữa từ chính các nhà văn và các cơ quan quản lý văn hóa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước