Tiềm năng bị bỏ ngỏ từ hàng nghìn làng nghề truyền thống trên cả nước

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 06/12/2023 12:18 GMT+7

VTV.vn - Không gian sáng tạo làng nghề là chủ đề được bàn luận trong chương trình Góc nhìn văn hóa phát sóng ngày 6/12.

Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước có 5.400 làng nghề, một khối di sản đồ sộ và vô cùng quý giá. Thế nhưng, đa số hệ sinh thái các làng nghề vẫn là tiềm năng còn ngủ yên, chưa được đánh thức, chưa theo kịp thời đại.

"Lõi của vấn đề là câu chuyện về công nghiệp văn hóa" – ông Nguyễn Thế Sơn, nghệ sĩ thị giác – giám tuyển cho biết – "Thực ra, ở đây chúng ta nói về câu chuyện thiếu đó. Chúng ta có nguồn nguyên liệu, nghệ nhân nhưng để trở thành một sản phẩm thu hút du lịch thì cần hơn thế, cần một khối óc tổ chức theo tiêu chuẩn bài bản quốc tế, nếu không sẽ dẫn tới câu chuyện phát triển lôm nhôm như các chợ quê thôi".

Khi phát triển du lịch làng nghề, đôi khi yếu tố nghề được chú trọng hơn và xem nhẹ yếu tố làng, tập trung vào phát huy các giá trị của các nghề thủ công truyền thống để thu hút khách du lịch, song lại không quan tâm đến nhu cầu của du khách. Họ không chỉ muốn khám phá tinh hoa các nghề truyền thống mà còn có những giây phút thư giãn giữa không gian làng quê, với những yếu tố đặc trưng như mái đình, cây đa, giếng làng, cảnh quan đồng ruộng… Nhận thấy những nhu cầu này, thời gian qua thủ đô Hà Nội đã có những đầu tư khá bài bản để nhận diện và phát triển sản phẩm du lịch làng nghề.

Không gian sáng tạo gồm 2 nhóm. Thứ nhất là không gian sản xuất để cộng đồng làng nghề có thể sáng tạo ra sản phẩm mới, gọi là không gian sáng tạo sản phẩm nghề, như không gian sản xuất chung ở hợp tác xã, trung tâm sản xuất sản phẩm nghề ở hộ gia đình… Thứ hai là không gian mới, thể hiện sự sáng tạo trong tạo hình, tổ chức cảnh quan, hoạt động để hấp dẫn du khách đến với làng nghề, thu hút cả hoạt động trao đổi mua bán hàng và hoạt động du lịch, gọi là các không gian cảnh quan làng nghề, như phố nghề, trung tâm dịch vụ du lịch… Dù là loại nào, yếu tố sáng tạo cũng là từ khóa để làm nên sức sống mới cho những làng nghề trăm tuổi.

Giá trị sản phẩm không chỉ nằm trong chất lượng sản phẩm mà còn ở những câu chuyện đi theo nó, được tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất ra sản phẩm, thấy được bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, sự kỳ công tạo tác và đặc biệt là những câu chuyện dấu ấn lịch sử, phong tục tập quán… sẽ khiến du khách cảm thấy sản phẩm trở nên hấp dẫn, có giá trị hơn. Những không gian sáng tạo còn là nơi lớp trẻ được trải nghiệm, hiểu hơn, tự hào và gắn bó hơn với nghề truyền thống.

Làng nghề phát triển kinh tế nhờ bảo hộ bản quyền sản phẩm Làng nghề phát triển kinh tế nhờ bảo hộ bản quyền sản phẩm

VTV.vn - Sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để xây dựng thương hiệu, định vị cho sản phẩm làng nghề là một trong những giải pháp tốt được nhiều địa phương thực hiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước