Những ồn ào về các cuộc thi Hoa hậu vẫn làm nóng dư luận xã hội nhiều ngày qua. Kể từ khi Nghị định 144 về nghệ thuật biểu diễn ra đời, nhiều quy định cởi mở hơn cho các cuộc thi người đẹp. Số lượng cuộc thi nở rộ, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên, nhiều mặt trái theo đó cũng nảy sinh. Có nhiều ý kiến về việc nhìn nhận lại danh xưng Hoa hậu, khi hiện nay nhiều cuộc thi nhan sắc đều hướng đến mục tiêu lợi nhuận.
Theo báo giá của một đơn vị tổ chức sự kiện của một lần tổ chức hoạt động, đứng đầu bảng là Hoa hậu với giá 100 triệu đồng. Các Á hậu dao động từ 70 triệu – 80 triệu đồng, con số này cao hơn hẳn so với các nghệ sĩ cùng danh sách. Từng có thí sinh thi Hoa hậu chia sẻ, gia đình cô suýt bán nhà để cô đi thi Hoa hậu. Nguyên nhân đơn giản là bởi các thí sinh coi đây là cuộc đầu tư để thu về giá trị kinh tế.
Bản thân một nhà tổ chức cuộc thi đã từng công bố cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam có được số tiền tài trợ khoảng 11 tỷ đồng từ các nhà tài trợ chính. Số tiền này chưa tính đến các nhà tài trợ vừa và nhỏ khác. Thức tế, hiện nay trong các cuộc thi Hoa hậu, yếu tố lợi nhuận và kinh doanh chiếm phần quan trọng.
"Các cuộc thi hoa hậu cũng chỉ là sản phẩm thương mại. Người ta cần tạo ra những nhân vật có ảnh hưởng, tạo ra những giá trị thương mại", ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch HĐQT tập đoàn truyền thông Lê chia sẻ.
Nhìn nhận lại danh xưng Hoa hậu cũng là quan điểm của nhiều người, chỉ coi đây là một hoạt động biểu diễn giải trí, hãy để quy luật thị trường sàng lọc. Đơn vị nào làm tốt thì tồn tại, đơn vị nào tổ chức kém chất lượng, tạo ra những người đẹp không được dư luận ủng hộ thì sẽ bị đào thải.
Nhìn ra thế giới, các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Venezuela… vốn được mệnh danh là các cường quốc trên bản đồ sắc đẹp trên thế giới. Nhưng ngay tại sân nhà, các cuộc thi Hoa hậu tại những nước này cũng đang dần giảm sức hút, vị thế. Ở châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc… các đấu trường nhan sắc cũng đang thoải trào, khán giả không còn quan tâm đến các cuộc thi sắc đẹp.
Phong trào Hoa hậu thoái trào có thể làm mất cơ hội đổi đời của một vài cô gái. Nhưng nhìn về mặt tích cực, điều đó lại giúp họ trút đi những hệ lụy của chiếc vương miện, những điều chính họ cũng không lường hết. Tại Việt Nam, nhiều Hoa hậu, Á hậu mới đây sau một đêm đã trở thành nạn nhân của hoạt động công kích, phản đối từ anti-fan. Những tổn thương tinh thần của họ trở thành mồi câu béo bở cho những kẻ đục nước béo cò, khoét sâu thêm cảm xúc tiêu cực từ đám đông, tăng tương tác để chạy quảng cáo kiếm lời.
Những clip cắt ghép các bài phỏng vấn của người trong cuộc vẫn đang dẫn đầu xu hướng trên các nền tảng mạng xã hội. Xuất hiện dày đặc các nhóm anti-fan, nhất là những nhóm có nửa triệu thành viên, thậm chí có hiện tượng trục lợi từ các trang, nhóm cộng đồng này. Nhiều người lợi dụng sức nóng của câu chuyện Hoa hậu để kinh doanh online.
Trong bối cảnh hiện tại, điều cần là sự quản lý, điều chỉnh sát sao hơn từ cơ quan quản lý Nhà nước. Nhiều thập kỷ qua, chúng ta mặc định cho danh xưng Hoa hậu rất nhiều giá trị biểu tượng. Điều đó ăn sâu vào suy nghĩ, thói quen của nhiều người nên không dễ thay đổi ngay. Sự kỳ vọng ấy khi biến thành thất vọng sẽ tạo ra các hệ lụy như đang diễn ra.
Danh hiệu tự thân cũng đã là một giá trị. Do vậy, bất cứ danh hiệu nào cũng cần đảm bảo những chuẩn mực cộng đồng tối thiểu. Cho dù là một cuộc thi sắc đẹp cũng không thể hạ thấp vai trò tri thức ở dưới mức bình thường. Một số chuyên gia văn hóa đề xuất nên chăng cần có tiêu chí nhất định với ban giám khảo của các cuộc thi sắc đẹp, sự giám sát chặt chẽ hơn của cơ quan chức năng. Sắc đẹp cũng là một tài sản quá. Nếu thương mại thái quá sẽ đánh mất ý nghĩa của các cuộc thi nhan sắc là tôn vinh người phụ nữ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!