Thay đổi tư duy trong chế độ đãi ngộ, chăm sóc nghệ nhân dân gian

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 16/10/2023 13:37 GMT+7

VTV.vn - Có lẽ, đã tới lúc phải thay đổi tư duy chỉ hỗ trợ nghệ nhân dân gian có hoàn cảnh nghèo khó, hướng tới quan điểm đãi ngộ để tôn vinh tài năng của họ.

Nghệ nhân dân gian là người nắm giữ và thực hành ở trình độ cao về di sản văn hóa phi vật thể, được coi là những báu vật nhân văn sống. Chỉ tính từ năm 2014 tới nay, cả nước có gần 2.000 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Thời gian qua, các địa phương ngày càng nhận ra vai trò của họ, từ đó có những chính sách động viên thiết thực. Mới đây nhất, cuối năm 2022, thành phố Hà Nội đã ban hành một Nghị quyết riêng về chế độ hỗ trợ nghệ nhân và các câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, bố trí nguồn kinh phí thực hiện hàng chục tỷ đồng. Đây chính là tín hiệu mới đáng phấn khởi trong công tác chăm sóc, đãi ngộ nghệ nhân.

Từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về việc hỗ trợ đối với  những Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú có hoàn cảnh khó khăn. Đây là chính sách nhân văn, góp phần tiếp lửa cho nghệ nhân trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống.

Theo đó, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú khó khăn có thể được hưởng trợ cấp theo 3 mức, gồm 1.000.000 đồng/tháng, 850.000 đồng/tháng và 700.000 đồng/tháng. Nghệ nhân được hưởng mức hỗ trợ cao nhất là 1.000.000 đồng/tháng nếu thuộc hộ gia đình có mức thu nhập trung bình đầu người dưới 50% mức lương cơ sở (dưới 550.000 đồng/tháng), đồng thời có độ tuổi từ 55 trở lên, hoặc khuyết tật nặng, hoặc mắc bệnh nan y. Ngoài ra, các nghệ nhân được hỗ trợ tiền bảo hiểm y tế, mai táng phí...

Thực tế, không đợi đến khi có Nghị định của Chính phủ, nhiều tỉnh, thành đã chủ động thiết kế chế độ cho nghệ nhân từ trước đó nhiều năm, điển hình như Bắc Ninh và Phú Thọ. Nhờ đó, những làn điệu quan họ hay hát Xoan đã có sức sống trong cộng đồng.

Tuy vậy, trong gần 2.000 nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong 10 năm qua, số người được hưởng chế độ hỗ trợ còn hạn chế. Dù nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Từ chính sách Nhà nước đến việc áp dụng trong thực tế, còn nhiều bất cập cần phải khắc phục.

Nhiều đốm lửa sáng đã được thắp lên ở một số địa phương. Nhưng tổng thể việc hỗ trợ nghệ nhân hiện chưa tương xứng với vai trò  của họ trong việc giữ gìn và phát huy di sản. Việc sửa đổi Nghị định, cải thiện chính sách là rất cần thiết. Có lẽ, đã tới lúc phải thay đổi tư duy chỉ hỗ trợ nghệ nhân có hoàn cảnh nghèo khó, hướng tới quan điểm đãi ngộ để tôn vinh tài năng của họ. Như vây, không chỉ tạo ra niềm tin, tâm huyết và cố gắng của nghệ nhân mà còn hình thành môi trường thuận lợi để nghệ nhân tỏa sáng tài năng của mình, thực sự phát huy vai trò báu vật nhân văn sống trong giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc.

Gia đình nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi cuối cùng ở phố cổ Hà Nội:  'Còn sức khoẻ thì còn làm, phải giữ lấy nghề truyền thống' Gia đình nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi cuối cùng ở phố cổ Hà Nội: "Còn sức khoẻ thì còn làm, phải giữ lấy nghề truyền thống"

VTV.vn - Sau 44 năm gắn bó với nghề làm mặt nạ giấy bồi, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan là những nghệ nhân cuối cùng ở phố cổ Hà Nội dồn hết tâm huyết với nghề.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước