Siết chặt người nổi tiếng quảng cáo cần tránh chiếu lệ

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 02/10/2024 14:50 GMT+7

VTV.vn - Siết chặt quy định về người có sức ảnh hưởng quảng bá sản phẩm là điều mà những nhà sáng tạo nội dung và các doanh nghiệp có uy tín ủng hộ.

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV sắp tới, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét. Một trong những điểm đáng chú ý của dự án Luật này liên quan đến hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, vai trò của những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi quy định cụ thể sản phẩm mà người quảng cáo phải sử dụng trực tiếp, bao gồm mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm bổ sung, nhằm đảm bảo tính minh bạch và chính xác của thông tin quảng cáo. Người có ảnh hưởng khi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ có nghĩa vụ bảo đảm chất lượng và tuân thủ quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, những người tham gia vào hoạt động quảng cáo phải minh bạch về thông tin sản phẩm, nguồn thu nhập và sẵn sàng cung cấp tài liệu khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Tình trạng người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng quảng cáo các sản phẩm không đúng với sự thật đã xuất hiện nhiều thời gian gần đây. Đáng nói là nhiều vụ việc còn quảng cáo các loại thực phẩm chức năng, thậm chí là thực phẩm dành cho trẻ em không đúng nguồn gốc, chất lượng có vấn đề. Điều này thực sự nguy hiểm, khi mà người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng trẻ ngày càng có xu hướng mua sắm trực tuyến nhiều. Và những lời quảng cáo, tiếp thị của người có sức ảnh hưởng lại tác động không nhỏ đến quyết định mua sắm của người dùng.

Theo nghiên cứu của NielsenIQ Việt Nam, khoảng 50% người tiêu dùng cho biết quyết định mua hàng của họ bị ảnh hưởng bởi những người có sức ảnh hưởng trên mạng. Nhưng nhiều vụ việc người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng quảng cáo sai sự thật đã khiến người dùng bức xúc.

Cuối năm 2023, một tài khoản Tiktok có 6,5 triệu lượt theo dõi đã chia sẻ clip trải nghiệm sau khi uống sữa tăng cân. Chỉ sau vài buổi livestream bán hàng, giỏ hàng của người này trên TikTok đã bán gần 10.000 hộp Sau khi bị tố sữa đang quảng cáo có "vấn đề", không đúng quảng cáo, chủ tài khoản đã lên tiếng xin lỗi.

Trước đó, một kênh Tiktok với nội dung về gia đình có hơn 1 triệu lượt người theo dõi đã đăng tải bài viết giới thiệu sản phẩm "thạch canxi", giúp cải thiện chiều cao và hỗ trợ phát triển trí não của trẻ. Chủ kênh cho biết, đây là dòng sản phẩm hàng đầu ở Nhật Bản, được các bà mẹ tại đây tin dùng. Sau đó, chủ tài khoản đã lên tiếng và đăng tải video xin lỗi. Còn nhiều người nổi tiếng, nghệ sĩ khác cũng đã từng phải lên tiếng xin lỗi vì đã quảng cáo sai sự thật cho những mặt hàng như sữa, thực phẩm chức năng, thuốc không qua kiểm chứng.

“Trong Luật Quảng cáo luôn ghi rất rõ nếu quảng cáo sai sự thật là vi phạm. Nhưng tại sao lại có mục riêng cho người nổi tiếng? Bởi độ lan tỏa của họ rất lớn nên ý thức trách nhiệm của họ cũng phải cao hơn. Vì vậy, mới có thêm điều nói về người nổi tiếng” - ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết - “Việc đưa vấn đề người nổi tiếng trong luật đã rất đúng, có tính răn đe và cũng giúp người nổi tiếng hiểu rằng mỗi lời nói ra, mỗi hành động đều có thể tạo ra sự nguy hiểm cho cộng đồng”.

Thực tế, việc nhận quảng cáo cũng như kiểm chứng sản phẩm hiện rất lỏng lẻo, hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức từ người làm nội dung quảng cáo. Trong khi, không phải ai cũng có đủ kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Chưa kể tới một bộ phận người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng chủ yếu quan tâm đến lợi nhuận, thu nhập mà bỏ qua trách nhiệm với xã hội.

Siết chặt quy định về người có sức ảnh hưởng quảng bá sản phẩm là điều mà những nhà sáng tạo nội dung và các doanh nghiệp có uy tín ủng hộ. Tuy nhiên, làm thế nào để chứng minh được việc người quảng cáo có thật sự "trải nghiệm trực tiếp sản phẩm" hay không và trải nghiệm đến mức nào? Đây là câu hỏi được đặt ra đối với những người làm luật - tránh tình trạng đối phó chiếu lệ.

“Trong luật, người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng phải tìm hiểu còn thực hiện hay không thì đó là quyền của họ, chúng ta không thể bắt họ làm hay không. Nhưng khi xảy ra hậu quả, khi họ không tìm hiểu và vi phạm pháp luật thì họ cần phải bị phạt. Với pháp luật, họ phải tự hiểu, không ai đi kiểm tra được điều đó. Câu chuyện cần bàn ở đây là động cơ, hành động và hậu quả của hành vi vi phạm, từ đó đánh giá mức vi phạm như thế nào và có chế tài”, ông Nguyễn Trường Sơn nói.

Nhiều ý kiến cũng băn khoăn có hay không cần xác định rõ một tài khoản có số lượng người theo dõi bao nhiêu để được tính là người có sức ảnh hưởng? Cơ chế để có thể giám sát việc trải nghiệm, nghiên cứu về sản phẩm trước khi quảng cáo là gì? Còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được làm rõ liên quan đến quy định này để hoàn thiện Dự án Luật Quảng cáo sửa đổi, hướng tới việc xây dựng và hoàn thiện một thị trường quảng cáo số minh bạch, lành mạnh và thực sự vì lợi ích người tiêu dùng.

TP Hồ Chí Minh: Cần quy định người nổi tiếng đóng quảng cáo phải thực sự có trải nghiệm về sản phẩm TP Hồ Chí Minh: Cần quy định người nổi tiếng đóng quảng cáo phải thực sự có trải nghiệm về sản phẩm

VTV.vn - Sở Văn hóa-Thể thao TP Hồ Chí Minh đồng tình trước ý kiến cần bổ sung quy định đối với trách nhiệm của người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng khi quảng cáo sản phẩm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước