Theo lời kể của chàng ca sĩ gốc Huế, gia đình anh không có ai làm gì liên quan đến âm nhạc. Duy chỉ có ông nội anh có dính dáng đến nghệ thuật bởi ông làm nhà thơ.
"Máu" yêu thơ cũng ngấm trong bố Quang Lê và các bác, các cô chú bên nội, vì thế mà từ nhỏ Quang Lê đã thường xuyên được nghe cả nhà ngâm thơ. Còn mẹ anh tuy không phải là ca sĩ nhưng hát rất hay và say mê hát. Có lẽ vì thế mà Quang Lê yêu những gì thuộc về thơ ca và âm nhạc từ tấm bé, cứ mê mẩn nghe và hát theo các bài hát từ băng cát-sét.
Năm 7 tuổi, Quang Lê theo gia đình vào TP.HCM chờ phỏng vấn đề chuẩn bị sang nước ngoài định cư. Trong thời gian này, cả gia đình anh ở trong khu Đầm Sen. Một lần, trong đó tổ chức cuộc thi hát, Quang Lê không đủ tuổi dự thi nhưng vẫn muốn xin thi.
Sau khi bị từ chối, anh được hai người lớn tốt bụng đứng ra xin giúp: "Cho cháu nó thi, nhỏ tuổi kệ nó". Nghe Quang Lê ghép nhạc, nhiều thí sinh anh chị tỏ vẻ lo lắng vì thấy đối thủ của mình nhỏ tuổi, nhỏ con nhưng có vẻ không vừa. Rốt cuộc, anh giành giải thật, tuy chỉ là giải Nhì chứ không phải giải cao nhất.
Cũng bởi đam mê âm nhạc nên khi chuẩn bị lên đường sang Mỹ, người họ hàng hỏi Quang Lê thích gì để tặng, anh vui mừng xin luôn một cuốn băng cát-sét thu tiếng hát của ca sĩ Bảo Yến. Đó cũng là món đồ quý giá nhất trong hành trang mà cậu bé Quang Lê mang theo ra nước ngoài.
Quang Lê nói vui, thời thơ ấu của anh là những chuỗi ngày… xin hát. Ở Mỹ, thỉnh thoảng có buổi sinh hoạt cộng đồng và lần nào có dịp tham gia, anh thấy ban nhạc là lại nhào đến thỏ thẻ "Chú ơi, chú cho con hát 1 bài được không?".
Cuối cùng, chờ đợi hồi lâu thì anh cũng được lên sân khấu hát. Quang Lê vẫn nhớ như in, khi ấy anh chỉ được hát có 1 bài là "Em đi chùa Hương" nhưng sau đó khi xuống sân khấu, một vị khán giả lớn tuổi liên xin số điện thoại rồi nói: "Cô thích giọng hát của con, cô có nhiều hội và sẽ chở con đi hát cho cô".
Và thế là mỗi lần có chương trình gì, vị khán giả này lại gọi điện xin phép bố mẹ Quang Lê rồi qua tận nhà để chở anh đi hát. Quang Lê khi đó mới 14 tuổi và bắt đầu kiếm được tiền từ việc đi hát bởi mỗi lần hát xong, anh lại được khán giả tặng tiền và cho cả quần áo mới.
Nhớ lại, Quang Lê chia sẻ, nhiều khi xin hát mà không được, anh cũng thấy buồn nhưng không nản lòng: "Hồi đó con nít, lại mê hát quá nên cứ đi xin không ngần ngại gì hết, cứ nói cô ơi cho con hát nghe, rồi họ bảo con cứ chờ đi, vậy là mình vui vẻ chờ".
Có khi, anh phải chờ từ sáng đến chiều mới được lên sân khấu. Như có buổi lễ từ 10h sáng thu hút cả nghìn người tham gia nhưng đến 3h chiều khi chỉ còn vài chục người thì Quang Lê mới được cho lên hát. Tuy nhiên, sau khi nghe cậu bé con này hát xong thì chính những người tổ chức chương trình sau đó lại chủ động liên lạc để gọi anh đi hát.
Đang ở lúc "hăng" hát nhất thì Quang Lê gặp phải sự cố. Đó là năm 13-14 tuổi, giọng anh bị vỡ, hát lên cao không nổi, giọng cứ bị ngoạc ra, cố giữ nốt cho chuẩn nhưng không được. Đem lo lắng này hỏi người lớn, anh được giải thích là đến tuổi dậy thì nên "vỡ giọng".
Dù chưa hiểu chuyện gì xảy ra nhưng Quang Lê quyết tâm tập luyện chứ không bỏ cuộc. Tự luyện tập ở nhà một thời gian, đến năm lớp 9 thì anh theo học một lớp luyện giọng và quãng thời gian học kéo dài tới 6 năm sau đó. Học xong, anh tự tin bước ra sân khấu hát những nốt cao vút nhưng vẫn rất ngọt lịm.
Có một kỷ niệm mà tới giờ mỗi lần nhắc lại, Quang Lê đều phì cười. Đó là lần đầu tiên anh bước vào phòng thu, người thu âm cho anh thắc mắc: "Sao em hát mà lấy hơi như…con trâu vậy?".
Kỳ thực, khi học lớp luyện giọng trên, Quang Lê được dạy cách lấy hơi mạnh rồi bung ra bằng cách đứng trên bục hát không có micro nhưng phải làm sao để tất cả mọi người ngồi trong lớp đều nghe được. Thế nên khi vào phòng thu hát Bolero, anh quen cách lấy hơi kiểu đó nên làm mọi người hết hồn.
Cũng theo Quang Lê, thời gian đầu khi mới bước chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp, anh cũng hay bị các nghệ sĩ lớn nhắc nhở vì cách hát nhấn nhá không giống ai của mình.
Trong khi các ca sĩ khác hát rất chỉn chu và chính quy thì Quang Lê lại có suy nghĩ muốn làm gì đó lạ và khác đi, bởi vậy mỗi lần cầm trên tay bản nhạc nào đó, anh lại ngồi nghiên cứu xem hát chỗ này thế nào, ngân chỗ kia ra sao cho mới lạ.
Như cách đây hai mươi mấy năm, khi hát bài "Duyên kiếp", Quang Lê nghĩ ra cách hát luyến khác đi khi hát câu "Em ơi nếu mộng không thành thì sao…" và thế là anh bị nhiều người la hát dở vì dám luyến chữ "mộng" thế nào mà nghe thành ra…"mông".
Những lúc như thế, Quang Lê đành phải cười trừ nhưng vẫn kiên định với sự phá cách đó của mình với suy nghĩ, mình có bị rầy la cũng không sao cả, chỉ cần khán giả thích là được rồi.
Có lẽ cũng bởi suy nghĩ ấy nên sau này khi nghe Lệ Quyên hát Bolero, anh từng rất sửng sốt vì cách luyến láy rất riêng, rất mới nhưng cũng rất chuẩn của cô. Cả hai vì thế mà kết hợp với nhau rất ăn ý trong âm nhạc. Như lời chia sẻ của Quang Lê thì Lệ Quyên chính là tri kỷ của anh trên sân khấu, mang lại cho anh cảm xúc vô cùng đặc biệt khi song ca.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!