Phường rối nước Đào Thục: Tái hiện "hồn" dân tộc

Minh Toàn-Thứ ba, ngày 04/07/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25km về phía đông bắc, làng Đào Thục là một ngôi làng cổ, là nơi có phường múa rối nước Đào Thục nổi danh khắp đất kinh kỳ.

Bảo tồn tinh hoa văn hoá

Làng nghề múa rối nước Đào Thục có từ thời Hậu Lê, nghệ thuật múa rối nước được truyền dạy qua nhiều đời người dân ở Đào Thục. Đây cũng là nơi sản sinh ra nhiều nghệ nhân ưu tú đồng thời là nơi gìn giữ giá trị tinh hoa văn hoá của dân tộc qua nghệ thuật rối nước truyền thống.

Múa rối dân gian Việt Nam được chia thành hai hình thức chính: múa rối cạn và múa rối nước. Rối cạn bao gồm đa dạng thể loại như: rối tay, rối que, rối dây, rối bóng, rối mặt nạ, rối nhà mồ, rối lốt… Tuy nhiên, cái đặc sắc và thể hiện được rõ nhất sự sáng tạo của người Việt phải nói đến múa rối nước.

Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo bởi múa rối nước dùng mặt nước làm sân khấu. Hình thù của con rối mang tính tượng trưng cao. Phần thân rối là phần nổi lên mặt nước thể hiện nhân vật, còn phần đế là phần chìm dưới mặt nước giữ cho rối nổi bên trên và là nơi lắp máy điều khiển cho quân rối cử động. Máy điều khiển và kỹ xảo điều khiển trong múa rối nước tạo nên hành động của quân rối nước trên sân khấu, đó chính là mấu chốt của nghệ thuật trò rối nước.

Phường rối nước Đào Thục: Tái hiện hồn dân tộc - Ảnh 1.

Những con rối nước đều được những nghệ nhân tạo hình thổi "hồn" theo những cách rất riêng, không bị nhầm lẫn với bất kỳ nhân vật nào (Ảnh: Minh Toàn).

Buồng trò rối nước là nhà rối hay còn được gọi là thủy đình thường được dựng lên giữa ao, hồ với kiến trúc cân đối tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam. Người nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò để điều khiển con rối. Họ thao tác từng cây sào, thừng, vọt... hoặc giật con rối bằng hệ thống dây bố trí ở bên ngoài hoặc dưới nước. Sự thành công của quân rối nước chủ yếu trông vào sự cử động của thân hình, hành động làm trò đóng kịch của nó.

Ông Nguyễn Văn Phi (56 tuổi, trưởng thôn Đào Thục) cho biết: "Múa rối nước mang đậm đặc trưng của người dân Việt Nam, gắn liền với nền văn minh lúa nước. Các vở diễn tập trung tái hiện lại những khung cảnh xưa cũ thông qua sự uyển chuyển những con rối và bàn tay điều khiển điêu luyện của người nghệ nhân".

Nghệ thuật múa rối nước thể hiện sự sáng tạo, thông minh của người Việt Nam xưa. Qua nghệ thuật tạo hình cho mỗi con rối là nghệ thuật phản ánh cuộc sống thực của người Việt xưa thông qua những vở diễn. Theo ông Phi, mỗi con rối là đại diện cho một lớp người ở một giai đoạn thời đại nhất định vì vậy những con rối được tạo ra mang đậm cái hồn, cái cốt cách, cái văn hoá của người Việt.

Phát triển nghệ thuật truyền thống

"Thuỷ đình" phường múa rối nước Đào Thục có thể được coi là "chứng nhân lịch sử" bởi đã chứng kiến những thăng trầm của phường múa rối nước này. Đã có khoảng thời gian, phường múa rối nước Đào Thục đứng trước nguy cơ bị mai một bởi thời gian. Tuy nhiên, chính những người nghệ nhân tại đây đã mạnh dạn "dám" thay đổi để phù hợp với xu thế vận động và phát triển của thời đại.

Ông Phi cho biết: "Trước đây thì chỉ có múa rối cổ là chính, nhưng thời gian qua và sắp tới đây sẽ phát triển thêm nghệ thuật múa rối đương đại để phù hợp với sân khấu trẻ. Tích trò cổ vẫn sẽ có nhưng sẽ đan xen sao cho phù hợp và hài hòa nhất có thể…".

Do đặc thù của loại hình nghệ thuật này mà trong làng chỉ có những người trung tuổi, đã ổn định mới dám theo nghề. Bởi do là loại hình nghệ thuật dân gian nên những mục tiêu về kinh tế không phải là mục tiêu hàng đầu của những nghệ nhân nơi đây. Những nghệ nhân sinh hoạt tại phường múa rối nước Đào Thục đều có mong muốn gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị vốn có của loại hình nghệ thuật này. Cũng vì lẽ đó mà rất hiếm người trẻ theo nghề này.

Phường rối nước Đào Thục: Tái hiện hồn dân tộc - Ảnh 2.

"Thủy đình" - nơi biểu diễn múa rối nước tại làng Đào Thục (Minh Toàn).

Tuy nhiên, mỗi năm phường múa rối nước Đào Thục vẫn tổ chức những lớp đào tạo cho những thế hệ kế cận để giá trị tinh hoa của dân tộc không bị mai một đi theo thời gian. Từ đó mà lớp lớp những thế hệ người dân Đào Thục tiếp bước nhau gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian này.

Ông Chí cũng chia sẻ thêm: "Trong tương lai, định hướng phát triển phường múa rối nước Đào Thục này thành một địa điểm du lịch, thu hút du khách thập phương, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của khu vực…".

Hiện nay, phường múa rối nước Đào Thục thường biểu diễn cho du khách nước ngoài được chiêm ngưỡng loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam. Ngoài ra, phường múa rối nước này cũng phối hợp với các đơn vị để tổ chức các buổi tham quan, tìm hiểu về làng múa rối nước Đào Thục cho những người quan tâm tới loại hình nghệ thuật này.

Đào Thục giờ đây không chỉ là làng múa rối nước truyền thống mà còn là làng du lịch. Đào Thục là địa phương đầu tiên trong các làng rối của Hà Nội được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bảo tồn múa rối bóng bằng công nghệ hiện đại Bảo tồn múa rối bóng bằng công nghệ hiện đại

VTV.vn - Một giảng viên đại học của Malaysia đã nghĩ ra sáng kiến, đó là ứng dụng công nghệ robot nhằm làm mới nghệ thuật múa rối bóng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước