Xung quanh vụ việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn mới đây đã đề nghị BTC Hoa hậu Đại dương 2017 hủy kết quả cuộc thi đối với thí sinh Lê Âu Ngân Anh do không đảm bảo điều kiện dự thi theo quy định, có rất nhiều ý kiến tranh luận khá gay gắt.
Từng là nhà báo, làm giám khảo của nhiều cuộc thi nhan sắc, đồng thời là nhà hoạt động văn hóa, ông Dương Trung Quốc chia sẻ với chúng tôi quan điểm của mình về vụ việc.
* Cục Nghệ thuật Biểu diễn mới đây đã đề nghị BTC Hoa hậu Đại dương 2017 hủy kết quả cuộc thi đối với thí sinh Lê Âu Ngân Anh do không đảm bảo điều kiện dự thi theo quy định. Ông nhận định như thế nào về vụ việc?
- Trước hết, phải khẳng định là cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017 diễn ra vào thời điểm xã hội có nhiều bức xúc xung quanh vấn đề thi sắc đẹp ở Việt Nam. Hơn nữa, BTC cuộc thi không chặt chẽ trong quá trình tuyển chọn nên mới để xảy ra ồn ào như thời gian vừa qua.
Vụ việc tác động tới rất nhiều người, ban tổ chức và những người tham dự đều có trách nhiệm riêng. Trách nhiệm cao nhất vẫn là ban tổ chức, dù họ vô tình hay hữu ý để xảy ra việc này. Việc xử lý BTC và điều chỉnh là cần thiết, quan trọng là mức độ xử lý như thế nào cho đúng mực để tránh lặp lại và làm gương cho các đơn vị tổ chức khác.
Cục Nghệ thuật Biểu diễn mới đây đã đề nghị BTC Hoa hậu Đại dương 2017 hủy kết quả cuộc thi đối với thí sinh Lê Âu Ngân Anh
* Có luồng ý kiến cho rằng nên "tước vương miện", nhưng cũng có những ý kiến cho rằng, "tước vương miện" là bất công với Ngân Anh vì cô ấy không có lỗi, thưa ông?
- Phạt ban tổ chức là điều nên làm, nhưng với thí sinh, chúng ta nên tôn trọng vì cô ấy đã thành thật báo với BTC chứ không phải khi đăng quang rồi BTC mới phát hiện ra.
Dư luận gây sức ép rất lớn lên các nhà quản lý, không chỉ riêng vụ việc của Ngân Anh mà cả câu chuyện của H’Hen Niê mới đây cũng vậy. Tôi nghĩ các nhà quản lý phải có quan điểm rõ ràng. Dồn tất cả gánh nặng trách nhiệm vào người được giải tôi cho là nhẫn tâm.
Khi sự việc xảy ra rồi, bản thân danh hiệu hoa hậu ấy đã bị phần nào sứt mẻ, làm phiền lòng mọi người, nên dừng ở chỗ đó là vừa. Nếu dư luận quan tâm cũng nên có sự khoan dung, lòng nhân ái, họ đã tổn thương rồi, đừng đẩy họ đến đường cùng.
Mà tôi nghĩ, đây không phải vấn đề quốc kế dân sinh, thì nên nhìn nhân văn, ở góc độ đó là một sinh hoạt giải trí - văn hóa. Nếu việc chưa chuẩn, chưa văn hóa thì điều chỉnh lại. Làm kỷ cương chặt chẽ thì chúng tôi ủng hộ, nhưng trong trường hợp này dường như nó hướng tới sự đố kỵ nhiều hơn. Theo tôi, chúng ta không nên ứng xử với một hoạt động văn hóa bằng tinh thần phản văn hóa.
* Vụ việc phải chăng là bài học đắt giá cho những người tổ chức các cuộc thi hoa hậu, sắc đẹp, thưa ông?
- Trong nhiều cuộc thi hoa hậu, họ mời các chuyên gia nhân trắc học, thậm chí cả công an để bảo đảm sự trung thực trong giấy tờ, nhân thân. Ngân Anh dự thi và như BTC có báo cáo lại, cô ấy nói rõ tất cả những điều đã làm chứ không phải giấu diếm. Tại sao Ban tổ chức lại để xảy ra vụ việc rồi giờ dồn tất cả sức ép lên Hoa hậu?
Sau sự việc, nên chăng, nhà quản lý cũng phải xây dựng quy chế cho chính xác, dễ áp dụng.
* Cụ thể hơn, theo ông, vấn đề gì trong quy định pháp luật còn chưa hợp lý?
- Tôi cũng từng đứng trước các trường hợp phải xử lý, chẳng hạn khái niệm "đẹp tự nhiên" nên hiểu thế nào? Nếu hiểu đẹp tự nhiên là "chưa từng" can thiệp thì tất cả những người đã từng can thiệp, thẩm mỹ đều phạm quy.
Cắt tóc, làm tóc kiểu này, kiểu kia có phải là "can thiệp" không? Chỉnh sửa răng là vi phạm, vậy có tính cả sửa răng hàm không, nếu vì lý do sức khỏe mà tôi phải chỉnh sửa thì sao? Những khái niệm không được quy định rõ ràng nên rất khó áp dụng.
* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!