Nữ sĩ Quỳnh Dao: 60 năm sự nghiệp lẫy lừng nhưng tình duyên lận đận

G.Trúc (tổng hợp)-Thứ năm, ngày 05/12/2024 10:53 GMT+7

VTV.vn - Nổi tiếng, quyền lực và giàu có nhưng cuối đời nữ sĩ vẫn không có được cuộc sống hạnh phúc như mong muốn.

Nữ sĩ Quỳnh Dao nổi tiếng với những áng văn giàu cảm xúc, những bộ phim lấy nước mắt người xem và cũng là người đỡ đầu cho rất nhiều diễn viên tài năng. Bà được xem là "mẹ đẻ" của dòng phim ngôn tình lãng mạn hiện đại, khởi nguồn cảm hứng cho rất nhiều bộ phim Hoa ngữ hiện tại. Không chỉ giỏi giang trong lĩnh vực văn chương, nữ sĩ còn tự sản xuất các bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của mình. Bà cũng là người đích thân tuyển chọn diễn viên phù hợp với từng nhân vật, vì hơn ai hết nữ sĩ hiểu rõ đứa con tinh thần của mình. Tài năng, tầm nhìn trong nghệ thuật cũng như cách làm việc đặc biệt của bà có ảnh hưởng lớn đến nền giải trí châu Á hiện đại.

Nữ sĩ tài danh của những bộ tiểu thuyết, những cuốn phim lãng mạn

Quỳnh Dao tên thật là Trần Triết, sinh năm 1938 tại Thành Đô, Tứ Xuyên. Năm 1949, bà theo cha mẹ chuyển sang Đài Loan (Trung Quốc) sống và bắt đầu sự nghiệp viết lách từ khi còn học cấp hai. Nền tảng gia đình đã ảnh hưởng không nhỏ đến nữ sĩ. Cha của bà là Giáo sư đại học. Nữ sĩ có họ hàng xa với nhà văn Kim Dung, nhà thơ Từ Chí Ma. Trong nhà của bà, con trai và con gái đều được dạy dỗ như nhau từ nhỏ, không có sự phân biệt nam nữ. Điều này đã giúp Quỳnh Dao được phát triển năng khiếu văn thơ ngay từ lúc còn rất nhỏ.

Nữ sĩ Quỳnh Dao: 60 năm sự nghiệp lẫy lừng nhưng tình duyên lận đận - Ảnh 2.

Quỳnh Dao khi còn trẻ. Bà là nhà văn sở hữu nét đẹp thân thiện, mê thời trang và thích những điều mới mẻ. (Ảnh: Weibo)

Năm 1955, bà xuất bản cuốn tiểu thuyết Vân ảnh với bút danh Tâm Như khi mới 16 tuổi. Dựa trên kinh nghiệm của bản thân, bà đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên Song ngoại dài 200.000 từ và trở nên nổi tiếng năm 1963. Sau đó bà sáng tác hàng loạt tác phẩm gây tiếng vang Dòng sông ly biệt, Lục mộng, Hạnh vân thảo và quay phim Nguyệt mãn tây lầuNgười xa lạ. Giai đoạn đó, nam giới thường đọc Kim Dung, nữ giới thì say mê Quỳnh Dao. 

Bên cạnh sáng tác, Quỳnh Dao cũng lấn sân sang lĩnh vực sản xuất phim ảnh, chuyển thể thành phim từ tiểu thuyết của mình. Năm 1976, bà thành lập Hãng phim Cự Tinh cùng với Bình Hâm Đào và những người khác để chuyển thể và làm phim. Năm 1985, Kỷ độ tịch dương hồng là bộ phim truyền hình đầu tiên được chuyển thể từ tiểu thuyết của Quỳnh Dao gây khá nhiều bất ngờ cho giới văn học nghệ thuật thời bấy giờ. Kể từ đó, phim truyền hình Đài Loan (Trung Quốc) tiêu biểu là phim tình cảm lãng mạn Quỳnh Dao đã vào Đại lục.

Từ năm 1990 đến năm 1996, bà liên tiếp chuyển thể các phim Tuyết Kha, Ngọn cỏ ven sông, Uyển Quân, Một thoáng mộng mơ, Người vợ câm, Thuỷ vân giang... đã tạo ra vô số bộ phim rating tốt, là bệ đỡ cho hàng loạt diễn viên điện ảnh, truyền hình trở nên nổi tiếng. 

Tiểu thuyết và phim truyền hình của Quỳnh Dao đã trở thành ký ức của nhiều thế hệ từ năm 1970 đến năm 2010, và có ảnh hưởng sâu sắc ở rất nhiều nước châu Á. Trong cuộc đời văn nghiệp của mình, bà đã sáng tác 65 tác phẩm, được làm lại thành phim truyền hình, điện ảnh nhiều lần.

Từ năm 1998 đến năm 1999, bà thay đổi phong cách văn chương, sáng tạo và sản xuất bộ phim truyền hình Hoàn Châu công chúa gồm 2 phần. Khi phim phát sóng đã lập kỷ lục về xếp hạng cho các bộ phim truyền hình Trung Quốc và vẫn được yêu thích đến bây giờ. Bộ phim giành được giải thưởng truyền hình Kim Ưng lần thứ 17 cho Phim truyền hình dài tập hay nhất.

Năm 2001, bộ phim Dòng sông ly biệt phiên bản mới cũng được đón nhận nồng nhiệt. Sau đó phim Một thoáng mộng mơ, Không phải hoa, chẳng phải sương được chiếu trên đài truyền hình Hồ Nam từ năm 2007 đến 2013. 

Nữ sĩ Quỳnh Dao: 60 năm sự nghiệp lẫy lừng nhưng tình duyên lận đận - Ảnh 4.

Quỳnh Dao trong khu vườn của dinh thự sang trọng. (Ảnh: Weibo)

Vào tháng 8 năm 2017, bộ phim tài liệu Trước khi bông tuyết rơi: Bài học cuối cùng trong cuộc đời tôi được chia thành hai phần. Phần đầu mô tả quá trình của chồng bà Bình Hâm Đào từ khi bị bệnh đến khi đặt nội khí quản. Phần sau hồi tưởng lại những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống chung của họ.

Năm 2018, Quỳnh Dao toàn tập được biên soạn và xuất bản lại. Năm 2019 bà hoàn thành tiểu thuyết Mai hoa anh hùng mộng. Tuy nhiên đến tháng 6/2024 thì tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp văn chương của nữ sĩ mới phát hành.

Những tác phẩm của bà đã đồng hành cùng sự trưởng thành của nhiều thế hệ, đồng thời cũng khơi gợi suy nghĩ và khao khát tình yêu của vô số độc giả. Dù những quan điểm tình cảm có phần tranh cãi nhưng tác phẩm của Quỳnh Dao luôn lấy phụ nữ làm trung tâm và cổ vũ cho nữ quyền, tinh thần chủ động trong tình yêu vốn mới mẻ với người đương thời.

Văn chương vận với cuộc đời

Thế giới nhân vật trong truyện và phim của Quỳnh Dao giai đoạn đầu thành danh luôn xoay quanh những người phụ nữ đau khổ vì tình cảm, luôn muốn thoát khỏi lễ giáo để tìm hạnh phúc cho bản thân. 

Từ nhỏ Quỳnh Dao đã bị xem là đứa con bướng bỉnh, không nghe theo lời cha mẹ vì chỉ chăm học Trung văn mà lơ là các môn học khác. Cô gái nhỏ mang vẻ ngoài yếu đuối, luôn có tư tưởng lãng mạn nhưng thực tế là người có ý chí, thường quyết tâm giành bằng được những mục tiêu mình đặt ra. 

Vì tuổi thơ lớn lên trong chiến tranh nên những cảnh bom đạn chia ly đã để lại những vết thương sâu sắc trong lòng Quỳnh Dao, sau này được bà nhiều lần đưa vào các tiểu thuyết của mình. Mối tình đầu của nữ sĩ là thầy giáo dạy ngữ văn ở trường trung học. Người giáo viên góa vợ lớn hơn bà 25 tuổi không thể gắn bó cuộc đời cùng cô nữ sinh mơ mộng. Vì quan điểm của thời đại lúc bấy giờ không ủng hộ chuyện tình thầy trò. Khi Quỳnh Dao thi trượt đại học, buồn chán tự tử thì mẹ của bà đã đến trường gây náo loạn. Kết quả là thầy giáo bị đuổi việc nên hai người chia tay. Dấu ấn của mối tình này lại tạo nên thành công của tiểu thuyết đầu tay Song ngoại của Quỳnh Dao.

Nữ sĩ Quỳnh Dao: 60 năm sự nghiệp lẫy lừng nhưng tình duyên lận đận - Ảnh 6.

Mối tình cuối đời nhiều sóng gió của Quỳnh Dao và Bình Hâm Đào. (Ảnh: Weibo)

Nữ sĩ Quỳnh Dao luôn đề cao vẻ đẹp tình yêu nhưng phải trả giá đắt cho những lựa chọn của mình.

Trong lúc buồn chán, bà bất ngờ gặp Mã Sâm Khánh và kết hôn nhanh chóng năm 1959 mặc cho sự phản đối của gia đình. Năm 1961, bà sinh người con trai duy nhất Trần Trung Duy. Tuy nhiên, đôi vợ chồng trẻ mê văn chương sớm bị choáng ngợp trước thực tế cơm áo gạo tiền. Sự mất cân bằng trong lòng Quỳnh Dao ngày càng lớn. Trong khi sự nghiệp của bà ngày càng phát triển thì chồng trở nên tự ti, xa cách, bắt đầu uống rượu và đánh bạc. Hai người ly hôn sau 5 năm chung sống.

Bà mẹ đơn thân tập trung sự nghiệp viết lách và bất ngờ gặp được người đàn ông quan trọng trong cuộc đời. Chủ biên của nhà xuất bản Hoàng Quán nhận ra tài năng văn chương của Quỳnh Dao nên mời bà hợp tác. Hai người ngày càng tâm đầu ý hợp và dần chuyển sang tình yêu. Tuy nhiên lúc đó Bình Hâm Đào đã có vợ và ba con. Vợ của ông cũng là người phụ nữ tài giỏi, giàu có và bỏ vốn mở nhà xuất bản cho hai vợ chồng. Vì thế Bình Hâm Đào khó lòng dứt tình cảm với vợ. Quỳnh Dao chấp nhận làm người thứ ba trong suốt 16 năm. Trải nghiệm này có tác động sâu sắc đến sáng tác tiểu thuyết của bà. Vì thế nên trong các tiểu thuyết, các nhân vật chen vào chuyện tình cảm, gia đình người khác thường xuất hiện và luôn được bà lý giải theo cách riêng. Những tác phẩm này chắc chắn phản ánh những vướng mắc nội tâm và đấu tranh đạo đức của Quỳnh Dao. 

Dù thành công vượt bậc trong sự nghiệp, Quỳnh Dao vẫn phải chịu áp lực xã hội lớn. Khi bà có ý định kết hôn với một luật sư ở Mỹ để tránh dư luận thì Bình Hâm Đào bất ngờ ly hôn. Năm 1979, hai người chính thức kết hôn. Từ đó họ tiếp tục đồng hành và xây dựng sự nghiệp văn chương, điện ảnh của Quỳnh Dao lên đến đỉnh cao, nổi tiếng khắp châu Á. 

Sau 40 năm chung sống, những nỗi đau khi xưa trở lại với Quỳnh Dao khi Bình Hâm Đào mất trí nhớ ở tuổi 90. Ông không còn nhận ra người vợ yêu thương nên bà chấp nhận để các con riêng đưa ông về nhà chăm sóc. Cuộc tranh cãi về việc an tử cho chồng với các con riêng khiến bà rơi vào buồn chán. Từ năm 2019 đến nay, bà không viết thêm một cuốn sách nào nữa vì mất đi niềm tin, đam mê sáng tạo và tình yêu cuộc sống.

Nữ sĩ Quỳnh Dao: 60 năm sự nghiệp lẫy lừng nhưng tình duyên lận đận - Ảnh 8.

Gia đình người con trai duy nhất của Quỳnh Dao. (Ảnh: Weibo)

Cuộc đời sóng gió của nữ sĩ có lẽ hạnh phúc nhất chính là có người con trai và gia đình hiếu thảo. Con dâu Hà Tú Quỳnh là quản lý, thư ký thân thiết đã hỗ trợ đắc lực cho bà trong nhiều việc. Các cháu gái cũng có nhiều tài năng nghệ thuật. Đây chính là niềm an ủi tuổi già lớn nhất của Quỳnh Dao, giúp bà có thể yên tâm giao lại di sản đồ sộ đã xây dựng cả đời, tự chọn cách rời xa trần thế theo cách mình mong muốn. Bà mất trong biệt thự sang trọng trị giá 550 triệu Nhân dân tệ với rất nhiều tranh cãi về cuộc đời. 

Nữ sĩ Quỳnh Dao tạm biệt cuộc đời ở tuổi 86 Nữ sĩ Quỳnh Dao tạm biệt cuộc đời ở tuổi 86 Quỳnh Dao từng sắp xếp hậu sự của mình từ 7 năm trước Quỳnh Dao từng sắp xếp hậu sự của mình từ 7 năm trước Triệu Vy mở lại mạng xã hội sau 3 năm, cùng dàn sao tưởng nhớ Quỳnh Dao Triệu Vy mở lại mạng xã hội sau 3 năm, cùng dàn sao tưởng nhớ Quỳnh Dao

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước