NS Quốc Trung: Làm Monsoon, tôi mệt rồi!

Thuỳ Dương-Chủ nhật, ngày 05/11/2017 06:08 GMT+7

VTV.vn - Nhạc sỹ Quốc Trung tiết lộ rằng anh cảm thấy mệt vì Monsoon nhưng khẳng định rằng anh vẫn đang làm vì sự thích thú cá nhân chứ không phải tiền tài hay danh vọng.

Hẹn gặp Nhạc sỹ Quốc Trung tại Hoàng Thành Thăng Long, một tuần trước thời điểm Gió mùa (Monsoon) của anh lần thứ tư "thổi mát" tâm hồn khán giả tại Hà Nội. Trên gương mặt chưa thể giãn ra vì còn những bộn bề lo toan cho Monsoon 2017, thứ anh yêu cầu ở tôi là sự chờ đợi - ít phút, để anh có thể sắp xếp, đôn đốc tiến độ công việc của Monsoon trước khi có thể tập trung cho buổi phòng vấn. "Cứ không có tôi là lại ẩu" - Anh nói với số nhân viên đang hoàn tất một số công đoạn dựng sân khấu.

NS Quốc Trung: Làm Monsoon, tôi mệt rồi! - Ảnh 1.

NS Quốc Trung và sân khấu Monsoon còn chưa thành hình

"Làm Monsoon 4 mùa, anh đã mệt chưa" - tôi hỏi, anh không nói, chỉ cười và khẽ gật đầu.

Tôi tin anh không đùa.

4 năm, Monsoon đã và đang trở thành điểm đến của những tâm hồn yêu nhạc tại Hà Nội trong tháng 10. Nhưng năm nào nó cũng không mang lại bất cứ lợi ích kinh tế nào cho nhà tổ chức. Năm 2017, mọi chuyện còn phức tạp hơn. Giấy phép tổ chức đến muộn, kéo theo việc Gió mùa cũng đến muộn và ảnh hưởng không nhỏ tới khâu tổ chức.

Trong một status được đăng tải trên Facebook cách đây ít lâu, NS Quốc Trung khiến nhiều người lo ngại rằng, 2017 sẽ là năm cuối cùng tổ chức Monsoon. Rất may, "cha đẻ" của nó đã khẳng định không phải, nhưng ở người nghệ sỹ luôn đau đáu với công cuộc "quốc tế hóa âm nhạc tại Việt Nam" này, không khó để thấy rằng anh đang thấm mệt.

Nhạc sỹ Quốc Trung bắt đầu chia sẻ với tôi gần như ngay lập tức sau khi kết thúc công việc của một người cha đang lo lắng cho "đứa con tinh thần" của mình.

P.V: Thưa NS Quốc Trung, trong số những nhạc sỹ, đạo diễn âm nhạc tại Việt Nam, anh là người tiên phong, người "đau đáu" nhất với công cuộc "quốc tế hóa âm nhạc" tại Việt Nam. Tới giờ, 4 năm tổ chức Monsoon, anh thấy mình đã làm được những gì?

NS. Quốc Trung: Tôi bước vào sân chơi này khi mà Việt Nam gần như chưa có thị trường một cách đúng nghĩa. Những thói quen từ người xem tồn tại rất nhiều năm qua đòi hỏi sự kiên nhẫn của những người sản xuất chương trình. Vấn đề không chỉ đơn giản là phụ thuộc vào thu nhập, tài chính của khán giả mà là nhận thức. Lễ hội âm nhạc cần được xã hội đánh giá, nhìn nhận đúng. Văn hóa nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng cần được đặt ở một vị trí cao hơn. Mọi người không đi nghe nhạc mua vui mà đi thưởng thức nghệ thuật, từ đó, mỗi người sẽ có những cách hành xử, ứng xử trong đời sống tốt đẹp hơn.

Âm nhạc và nghệ thuật theo bất cứ bộ môn nghệ thuật nào đều mang lại cảm xúc và những cảm xúc ấy gần như 100% đều tích cực sẽ góp phần mang lại cho những người biết thưởng thức những cảm xúc tích cực để hành xử tích cực trong đời sống.

Chính vì thế, muốn thay đổi hay xây dựng một đời sống âm nhạc, một nền công nghiệp âm nhạc đúng đắn, chúng ta cần thay đổi từ cách tiếp cận của từ nghệ sỹ cho tới người thưởng thức. Muốn làm được điều này, chúng ta cần những kế hoạch được hoạch định chiến lược, lâu dài. Sự phát triển về cách ứng xử trong văn hóa nghệ thuật, trong âm nhạc đòi hỏi sự nhìn nhận tinh tế, tân tiến.

Chính vì thế, với nhiều người, Monsoon chưa phù hợp, nhưng tôi cho rằng ở bất cứ xã hội nào, đều cần có một không gian lễ hội âm nhạc như vậy. Nó cũng giúp người xem cảm thấy yêu thành phố của mình hơn, yêu xã hội mình đang sống hơn.

Vậy tới lần thứ 4 tổ chức Monsoon rồi, anh thấy gu âm nhạc của người xem đã tiến bộ hơn?

- Thực ra, tôi không có ý định phân hóa gu âm nhạc của khán giả vì một lễ hội âm nhạc sẽ có rất nhiều màu sắc âm nhạc khác nhau và trong xã hội mỗi người lại có những sở thích rất khác nhau. Nhưng điều một lễ hội âm nhạc đúng nghĩa cần làm được là mang tới cho khán giả một không gian vui vẻ, hanh phúc cho tất cả mọi người tham gia.

Khán giả đến với Monsoon, dù chưa nhiều, nhưng họ đều rất yêu quý chương trình và sẽ cố gắng quay trở lại. Cho tới thời điểm này, tôi chưa nhận được bất cứ lời phản hồi tiêu cực nào từ khán giả. Đấy là một thành công đối với Monsoon.

Vậy anh đã hài lòng với lượng khán giả đến với Monsoon?

- Số lượng đôi khi không phải là thước đo sự hài lòng mà theo tôi đó là chất lượng. Nếu khán giả đến với Monsoon mà không hài lòng thì càng đông lại càng không hiệu quả. Với hàng chục ngàn khán giả tới với Monsoon qua các năm, tôi cho rằng Monsoon đã để lại sự hài lòng cho khán giả về chất lượng tổ chức, chất lượng âm nhạc, về một không gian mà họ có thể chia sẻ với người thân, bạn bè những cảm xúc khi hoà mình trong âm nhạc.

Năm nào anh cũng "bù lỗ cho Monsoon, nhưng vẫn vui", anh định "vui" thế này đến bao giờ? Chẳng ai muốn cứ lỗ mãi.

- Tôi và công ty của mình chưa bao giờ đặt mục tiêu kinh doanh vào Monsoon và chúng tôi cũng xác định rằng những năm đầu chắc chắn sẽ thua lỗ vì lễ hội âm nhạc còn là mô hình khá mới mẻ. Nhưng tất cả những ai tham gia Monsoon đều mang tâm thế là những tình nguyện viên, nhiều công ty, nghệ sỹ... tham gia chương trình mà không nhận bất cứ đồng lương nào trong suốt những năm qua. Và ban tổ chức luôn cố gắng tập trung nhất nguồn kinh phí ít ỏi để cải thiện chất lượng lễ hội, mang tới sự hài lòng nhất cho khán giả.

Nếu đặt yếu tố kinh doanh lên hàng đầu thì rõ ràng đây là một sự thất bại. Tuy nhiên, nếu chúng tôi coi Monsoon là những nỗ lực để giới thiệu tới khán giả không gian âm nhạc lễ hội, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho cộng đồng, thì tôi tin rằng chúng tôi đã và đang thành công. Tôi rất hài lòng với những gì mình đã đạt được.

"Gió mùa" của anh thường đến vào tháng 10. Tuy nhiên, vì một số lý do, năm nay nó đã bị rời lại tới tháng 11, điều đó có khiến anh lo ngại?

- Ban tổ chức đã cân nhắc và đồng ý rằng không thể chọn bất cứ mùa nào thích hợp hơn mùa thu Hà Nội cho Monsoon vì đây là thời điểm thời tiết lý tưởng nhất trong năm. Và ngay từ khi bắt đầu chúng tôi đã có mong muốn rằng được gắn Gió mùa với ngày 10/10 - ngày có thể coi như "sinh nhật" của thủ đô Hà Nội, như một chương trình kỷ niệm đối với thành phố. Tuy nhiên, Monsoon là một dự án xã hội hóa và chúng tôi rất bị động về vấn đề thời gian, nhất là khi địa điểm tổ chức là Hoàng Thành Thăng Long.

Năm nay giấy phép tổ chức đến muộn chính vì thế chúng tôi phải lùi thời gian của Gió mùa lại. Tuy nhiên, rất hy vọng rằng thời tiết Hà Nội vẫn đẹp cho những đêm nhạc sắp tới để khán giả có một không gian lễ hội chất lượng.

Nhìn rộng ra, anh có cho rằng Monsoon có đóng góp gì ngoài việc mang tới cho nền âm nhạc nước nhà một không gian thưởng thức hoàn toàn mới mẻ và chất lượng? Như vấn đề du lịch chẳng hạn?

- Nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội cũng đã mời bạn bè của mình tới thưởng thức Monsoon vì lễ hội âm nhạc là một mô hình đã khá quen thuộc với họ. Để thu hút thêm khách du lịch cần rất nhiều yếu tố, đầu tiên là chất lượng của music festival, chất lượng nghệ sỹ. Mà muốn có được những nghệ sỹ chất lượng tới biểu diễn, chúng tôi cần có kế hoạch sớm. Hơn nữa, ban tổ chức Monsoon cũng đã đề xuất với thành phố để hướng Monsoon thành một sự kiện văn hóa góp phần mang lại nguồn thu du lịch cho Hà Nội. Nhưng để mọi thứ tốt hơn, chúng ta cần có một kế hoạch sự kiện bài bản và truyền thông hợp lý.

Từ những gì kể trên, nếu một ngày Gió mùa ngừng "thổi" nhưng có một Gió mùa "phẩy" xuất hiện, hấp dẫn hơn, thành công hơn, anh có yên lòng?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình là duy nhất. Vì sẽ cần nhiều music festival khác, nhiều "ông Quốc Trung" khác, mới có thể tạo nên sự cạnh tranh. Mà cạnh tranh là nền tảng của phát triển. Tôi tin là giờ đây rất nhiều người có thể đã bắt đầu có cảm hứng để tổ chức một lễ hội âm nhạc. Dù rằng việc hiện thực nó là không dễ, nhưng nếu có thể, đó là điều tốt cho đời sống tinh thần của cộng đồng, tốt cho Hà Nội. Và nếu ban tổ chức cần tôi đóng góp kinh nghiệm, tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ.

Dự án Monsoon không bắt nguồn từ mưu lợi tài chính hay sự nổi tiếng. Nó đơn thuần mang lại sự thích thú cho cá nhân tôi. Nó là ước mơ của một người làm nghề!

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước