Lần đầu tiên, một đêm nhạc giao hưởng – Hành trình mộng mơ – Giai điệu di sản – được trình diễn trên Vịnh Hạ Long, giữa không gian mênh mông, lãng mạn của di sản thế giới. Khoảng 450 du khách đã có những trải nghiệm đầy cảm xúc và ấn tượng với âm nhạc cổ điển. Dàn dựng các đêm nhạc hàn lâm trong hành trình du lịch vừa giúp gia tăng trải nghiệm cho khán giả, đồng thời tạo môi trường mới cho chính các nghệ sĩ được sống với nghề, sáng tạo mạnh mẽ hơn. Sự cộng hưởng giữa thiên nhiên, cảm xúc thăng hoa của dàn nhạc và khán giả, khiến những đêm nhạc này để lại dư âm khó phai mờ.
Trong suy nghĩ của nhiều người, nhạc cổ điển là âm nhạc bác học, có tính hàn lâm cao nên kén khán giả và khó tiếp cận. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều những cách làm mới, sáng tạo về hình thức tổ chức, ngôn ngữ nghệ thuật để đưa thể loại này đến với công chúng gần gũi, tự nhiên hơn.
Không quá đặt nặng về tính chuyên nghiệp mà chú trọng đến kết nối về cảm xúc, điều đó khiến nhạc cổ điển dễ nghe, dễ thẩm thấu với nhiều đối tượng khán giả hơn. Mới đây, lần đầu tiên Dàn nhạc giao hưởng trẻ Việt Nam đã mời Dàn nhạc giao hưởng Super Kids Ocestra của Nhật Bản cùng biểu diễn trong đêm nhạc The Great Way tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Điều gây bất ngờ là toàn bộ vé của chương trình đã bán hết. Các tài năng trẻ về âm nhạc cổ điển của Việt Nam hiện nay đã thể hiện tư duy năng động, tích cực đổi mới chương trình biểu diễn, qua đó góp phần làm trẻ hóa công chúng nghe nhạc hàn lâm. Sự thành công của đêm nhạc được kỳ vọng trở thành nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ yêu âm nhạc, các nghệ sĩ trẻ tại Việt Nam.
Thay vì diễn ra một cách trang trọng trong các khán phòng, chờ đợi khán giả mua vé tới thưởng thức, nhiều nhà tổ chức và chính các nghệ sĩ đã có tư duy chủ động sáng tạo để nhạc cổ điển đến với người nghe bằng những con đường khác nhau. Sự xuất hiện của các dàn nhạc cổ điển trong những đêm nhạc đa phong cách hay các sản phẩm ra mắt của các ca sĩ trẻ không làm giảm giá trị của nghệ thuật hàn lâm, nhưng giúp nâng cao thẩm mỹ và trình độ thưởng thức của công chúng.
"Thời gian gần đây, một số nghệ sĩ đã tìm cách để đưa công chúng đến với âm nhạc cổ điển, hoặc bằng cách khác là kết hợp âm nhạc cổ điển với âm nhạc hiện đại, như Lê Phi Phi chỉ huy nhiều bản nhạc rock bằng dàn nhạc giao hưởng, Đen Vâu dùng nhạc cả một dàn nhạc giao hưởng để rap… Với chúng tôi làm nghề, điều đó rất đang mừng khi âm nhạc chính thống đã được sống lại với công chúng bằng nhiều hình thức khác nhau", NSND Đức Trịnh – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết.
Năm 2024 hứa hẹn sẽ là một năm nở rộ của âm nhạc cổ điển, khi các dự án lớn được công bố và công diễn, trong đó đặc biệt có sự kiện Liên hoan âm nhạc mới Á – Âu lần thứ 4 tổ chức tại Việt Nam, quy tụ các dàn nhạc giao hưởng của 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây sẽ là cơ hội để công chúng được thưởng thức các tác phẩm mới nhất của âm nhạc bác học trên thế giới. Từ việc tiếp xúc thường xuyên với âm nhạc đỉnh cao, trình độ thưởng thức của xã hội sẽ được nâng cao, qua đó kỳ vọng vào tương lai không xa xuất hiện nhiều hơn những tấm biển thông báo hết vé trước những phòng hòa nhạc, hay việc sở hữu vé thưởng thức nhạc cổ điển theo mùa, theo năm trở thành thói quen của nhiều khán giả Việt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!