Nỗ lực "cất tiếng" gìn giữ nghệ thuật hát Xẩm của nhiều thế hệ

Phương Anh, Vân Anh-Thứ năm, ngày 14/12/2023 06:00 GMT+7

Bằng tình yêu với những làn điệu xẩm, nhiều nghệ sĩ gạo cội và cả những bạn trẻ đang nỗ lực từng ngày để "phục sinh" nét văn hóa dân gian này.

“Đánh thức” Xẩm

Nỗ lực cất tiếng gìn giữ nghệ thuật hát Xẩm của nhiều thế hệ - Ảnh 1.

Nhóm Xẩm Hà thành

Nhóm Xẩm Hà thành được thành lập từ năm 2009 bởi Nghệ sĩ hát xẩm Mai Tuyết Hoa và nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long. Xuyên suốt thời gian hoạt động, nhóm đã kết hợp cùng các bậc tiền bối trong ngành để nghiên cứu và phục dựng lại những làn điệu xẩm cổ bị thất truyền từ nhiều thập niên, tiêu biểu như: Xẩm anh Khóa, Xẩm Cái trống cơm, Xẩm phồn huê, Quyết chí tu thân, Mục hạ vô nhân…

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa - người học trò xuất sắc của Cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, chia sẻ: “Trước đây, hát xẩm là một nghề để kiếm tiền, nhưng bây giờ không còn ai hành nghề nữa. Chúng ta giữ lại được cái nghệ thuật, nhưng còn văn hóa để hành nghề thì thật sự mất rồi. Bản thân tôi đã khôi phục, gìn giữ và quảng bá để không chỉ riêng khán giả trong nước mà cả khán giả quốc tế biết tới nghệ thuật hát xẩm này. Và nhóm Xẩm Hà thành đã làm được rất nhiều điều cho xẩm”.

Nỗ lực cất tiếng gìn giữ nghệ thuật hát Xẩm của nhiều thế hệ - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và Cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. (Nguồn ảnh: Xẩm Hà thành)

Với mong muốn gìn giữ những giá trị bản nguyên nhất của nét nghệ thuật dân gian này, Xẩm Hà thành luôn nỗ lực hát xẩm sống để khán giả có thể thưởng thức những làn điệu xẩm cổ và sống lại cùng những thanh âm đã được cất lên tại các chợ, đường phố,... mấy mươi năm về trước. Hiện tại, đều đặn vào các tối thứ 6, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, nhóm nghệ sĩ sẽ biểu diễn miễn phí tại Khu di tích Tượng đài Vua Lê, trong không gian phố đi bộ Hồ Gươm, như một món quà dành tặng tới khán giả trong nước và quốc tế.

Nỗ lực cất tiếng gìn giữ nghệ thuật hát Xẩm của nhiều thế hệ - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cùng 2 thành viên nhóm Xẩm Hà thành biểu diễn tại Khu di tích Tượng đài Vua Lê

Nỗ lực cất tiếng gìn giữ nghệ thuật hát Xẩm của nhiều thế hệ - Ảnh 4.

Khán giả tới thưởng thức buổi biểu diễn của nhóm Xẩm Hà thành

Thổi vào Xẩm “hơi thở thời đại”

Không dừng lại ở việc khôi phục, gìn giữ những làn điệu xẩm cổ, các thành viên trong nhóm Xẩm Hà thành còn muốn mang tiếng hát của mình “len lỏi” vào hơi thở của đời sống đương đại. Tất cả họ đều mang một tâm tư, sẽ gieo được những “tương tư” của xẩm đến với những khán giả của thời đại mới, đặc biệt là những khán giả trẻ. Do đó, nhóm đã không ngừng kết hợp giai điệu xẩm cùng những thanh âm mới, hòa cùng nhịp sống hiện đại ngày nay phải kể đến như: Xẩm trà đá, Xẩm bốn mùa hoa Hà Nội, Hát xẩm văn hóa giao thông, Xẩm Tứ vị Hà thành…

Đặc biệt, vào năm 2020, trước bối cảnh phức tạp của dịch bệnh, nhóm Xẩm Hà thành đã ra mắt bài hát Tiêu diệt corona, ủng hộ phòng chống COVID-19. Ca khúc được sáng tác dựa trên điệu xẩm sai, khai thác tối đa thế mạnh tiết tấu bộ gõ mang âm hưởng nhã nhạc cung đình Huế, pha trộn nét hài hước, rộn ràng của hề chèo và rap. Làm mới xẩm, nhưng xẩm không hề bị mất đi nét riêng của nó. Trái lại, khi kết hợp xẩm với rap, beatbox, thậm chí là hip hop, giống như những người nghệ sĩ đang “nấu” những món ăn mới, có vị cũ, vị xưa, có cả vị quen, vị gần và khi ấy tất cả “vị dư” đều được đọng lại trong người thưởng thức.

Nỗ lực cất tiếng gìn giữ nghệ thuật hát Xẩm của nhiều thế hệ - Ảnh 5.

Sản phẩm Tiêu Diệt Corona của nhóm Xẩm Hà Thành đã nhận về gần 50.000 lượt xem trên nền tảng Youtube.

Những sản phẩm của nhóm đều được dàn dựng và đầu tư kỹ lưỡng dưới hình thức video ca nhạc, phát hành trên nền tảng Youtube để xẩm có thể tiếp cận tới nhiều khán giả hơn trong thời đại mới.

“Xuất phát từ mong muốn mọi người biết đến xẩm và lan tỏa xẩm, các thành viên trong nhóm đều phải tự bỏ tiền túi ra để làm những công việc cho xẩm, như: thu âm, sáng tác, quay MV. Tôi phải cảm ơn những thành viên của nhóm Xẩm Hà thành rất nhiều, vì chúng tôi đến với nhau đơn thuần bởi tình yêu hát xẩm, nhưng lại có được những nhiệt huyết như vậy, hy sinh như vậy cho nghệ thuật hát xẩm” - Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ.

Người trẻ “mê đắm” những làn điệu xẩm cổ

Nỗ lực cất tiếng gìn giữ nghệ thuật hát Xẩm của nhiều thế hệ - Ảnh 6.

Lớp học Xẩm 48h

Lớp học Xẩm 48h ra đời vào năm 2016, nằm trong dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương”, của những bạn trẻ “trót” mê đắm những thanh âm của nghệ thuật truyền thống. Nguyễn Hoàng Hiệp - Chủ nhiệm CLB Chèo 48h, chia sẻ: “Khi thành lập ra nhóm, chúng mình mong muốn sẽ tạo ra một sân chơi cho những người trẻ, giúp họ có nơi để tìm hiểu, để thử sức với những loại hình nghệ thuật truyền thống”.

Nỗ lực cất tiếng gìn giữ nghệ thuật hát Xẩm của nhiều thế hệ - Ảnh 7.

Nguyễn Hoàng Hiệp (ở giữa) trong buổi học hát xẩm

Vào mỗi tối thứ 5 hàng tuần, bên ngoài là âm thanh và tiếng ồn của cuộc sống đô thị, bên trong là tiếng hát xẩm ngân vang “màu truyền thống” của những bạn trẻ hăng say tập luyện.

Nỗ lực cất tiếng gìn giữ nghệ thuật hát Xẩm của nhiều thế hệ - Ảnh 8.

Các bạn trẻ tích cực tập luyện những làn điệu xẩm cổ

Nỗ lực cất tiếng gìn giữ nghệ thuật hát Xẩm của nhiều thế hệ - Ảnh 9.

Không khi lớp học diễn ra sôi nổi và vui vẻ

“Ngày nay, xẩm đã được biết đến nhiều hơn, nhiều bạn trẻ cũng đã sáng tác, biến tấu những bài hát xẩm trở nên mới hơn, còn những người trẻ “đi theo” những làn điệu xẩm cổ thì không nhiều. Song song với những người trẻ sáng tạo, cũng có những người như chúng mình gìn giữ những bản nguyên. Và chúng mình tự tin khẳng định, đang có một thế hệ trẻ để kế cận những người đi trước” - Hoàng Hiệp chia sẻ.

Người trẻ dùng “cách trẻ”


Cùng mong muốn đưa xẩm đến gần hơn với giới trẻ, nếu như nhóm Xẩm Hà thành của các nghệ sĩ xẩm chuyên nghiệp sử dụng MV ca nhạc, hay sáng tạo những bài xẩm mới kết hợp với xu hướng âm nhạc thời nay, thì thế hệ gen Z của Xẩm 48h lại sử dụng những cách thức “trẻ” hơn như thế.


Nỗ lực cất tiếng gìn giữ nghệ thuật hát Xẩm của nhiều thế hệ - Ảnh 10.

"Bên cạnh truyền thông Online, chúng mình sẽ tận dụng tất cả những sự kiện lớn nhỏ mà nhóm tham gia cũng như tổ chức nhiều chương trình biểu diễn, Tọa đàm hay cả những Workshop để gieo cho mọi người nhiều cảm hứng với xẩm.” - Anh Nguyễn Hoàng Hiệp, Chủ nhiệm CLB Chèo 48h kể.


Trong năm 2023, Workshop “Xẩm se duyên” của nhóm được đánh giá cao về mặt sáng tạo. Nhóm đã tạo ra một “concept” tình yêu với socola và hoa hồng để trên mẹt, đem đến một không khí vừa lãng mạn, vừa dân gian. Các cặp đôi sẽ đến đó để thả thính bằng thơ máy, mọi người sẽ dùng thơ máy để tìm ra những vần thơ lục bát, và sau đó các nghệ sĩ sẽ hướng dẫn mọi người lồng điệu xẩm để thả thính đối phương. Cái hay nằm ở chỗ, mọi người không chỉ có quà để mang về, là những tấm thiệp viết tay bằng những câu thơ đó, mà nó còn được cất lên trực tiếp trong “show” bằng âm nhạc của xẩm.


Hiện tại, nhóm cũng đã đạt được những thành công nhất định trong việc lan tỏa xẩm tới nhiều bạn trẻ. Nhóm đã có nhiều học viên đến từ những ngành nghề khác nhau và hầu hết không phải là người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Đặc biệt, nhiều người trong số họ hiện đã trở thành những “hạt nhân”, những “đại sứ văn hoá” tiếp tục kết nối, lan tỏa thêm giá trị của loại hình di sản này.


Dù ở thế hệ nào, là nghệ sĩ chuyên nghiệp, hay chỉ là những bạn trẻ “có duyên” với những làn điệu xẩm, tất cả họ đều đang nỗ lực từng ngày để gìn giữ xẩm, lan tỏa xẩm, tất cả họ đều đang yêu xẩm và vì xẩm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước