Những trăn trở trong bảo tồn di sản văn hóa từ câu chuyện di chỉ Vườn Chuối

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 29/10/2024 15:06 GMT+7

VTV.vn - Bài học từ việc bảo tồn di sản văn hóa quý giá Vườn Chuối là chủ đề được phân tích trong Góc nhìn văn hóa.

Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển luôn là bài toán khó, nhất là trong lĩnh vực di sản. Thời gian qua, với nỗ lực, nhiều di sản đã được hồi sinh, nhưng vẫn còn những bài học buồn, thấm thía xót xa. Điển hình nhất là câu chuyện mang tên di chỉ Vườn Chuối ở thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.  

Những ngày gần đây, cái tên Vườn Chuối nóng trở lại trên các phương tiện thông tin truyền thông, khi Viện Khảo cổ học công bố kết quả cuộc khai quật lớn nhất từng có tại đây.  Hàng loạt phát hiện khảo cổ mới về  thời kỳ tiền sử của dân tộc cách đây 3.500 - 4000 năm một lần nữa khẳng định giá trị đặc biệt quý hiếm của di chỉ này.

Một điểm lưu ý là cuộc khai quật này là kết quả của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhiều năm trước. Khi đó, dư luận từng bức xúc vì di chỉ Vườn Chuối bị xâm hại nặng nề bởi hoạt động xây dựng khu chung cư. Vườn Chuối cũng nằm gọn trong quy hoạch  lòng đường Vành đai 3.5 của Thủ đô. Để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, năm 2019, thành phố đã quyết định chia đôi gò Vườn Chuối, giữ lại một nửa, còn một nửa phải khai quật di dời hiện vật rồi nhường lại đất cho dự án đường Vành đai 3.5. Vấn đề nằm ở chỗ nếu không có sự phản ứng dữ dội từ dư luận, có khả năng Vườn Chuối đã không thể giữ lại được một phần mà sẽ biến mất theo các công trình xây dựng.

Một nửa di chỉ Vườn Chuối sẽ bàn giao lại mặt bằng cho dự án làm đường Vành đai 3.5 trong thời gian tới.  Những gì còn lại là 6.000m2, dự kiến sẽ được xây dựng làm công viên văn hóa trưng bày, giới thiệu về thời kỳ tiền sử của đất nước. Đây là quyết định phần nào làm ấm lòng giới chuyên môn và người yêu văn hóa lịch sử. Nhưng băn khoăn âu lo vẫn còn chồng chất.

“Hầu hết các di tích của thời đại dựng nước vô cùng quý giá của dân tộc Việt Nam đã gần như biến mất. Di chỉ Vườn Chuối là một trong những ví dụ hiện rõ ràng nhất. Việc xây dựng đường là vô cùng quan trọng nhưng tôi xin khẳng định rằng bảo tồn và phát huy giá trị của di sản là lịch sử hàng ngàn năm của bao thế hệ cho ông. Tôi rất tiếc”, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc cho biết.

Hiện tại, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đang tích cực làm hồ sơ để di tích Vườn Chuối sớm được công nhận là di tích cấp thành phố. Muộn còn hơn không, nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi đau đáu về lý do một di chỉ đặc biệt như vậy giữa lòng Thủ đô lại bị quên lãng lâu tới vậy. Nếu quy hoạch xây dựng đường vành đai của Thủ đô không đâm xuyên qua lòng Vườn Chuối thì khi ấy, giữa các dự án giao thông và dự án văn hóa du lịch từ di tích ngàn năm tuổi này, cái nào sẽ đem lại lợi ích lớn hơn?

Những con người âm thầm bảo vệ Di chỉ Vườn Chuối Những con người âm thầm bảo vệ Di chỉ Vườn Chuối

VTV.vn - Để có thể giữ gìn những bảo vật hay cổ vật không phải là chuyên của riêng ai cả bởi những giá trị văn hóa là của cả một cộng đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước