Hà Giang - mảnh đất miền núi biên giới cực Bắc của Việt Nam - nổi bật với vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên hùng vĩ và nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số, nơi hội tụ 19 dân tộc, với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo cùng nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Đây cũng là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển kinh tế xã hội. Những năm qua, cấp Ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tập trung triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, coi đây là nguồn lực tài nguyên quan trọng để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có của mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
Thực tế, những năm qua tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan tới công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, như các nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hay nghị quyết về xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Đề án Bảo tồn, khôi phục phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, Hà Giang còn tổ chức các lớp truyền dạy kỹ thuật bí quyết thêu hoa văn, truyền dạy các làn điệu dân ca và kỹ thuật sử dụng nhạc cụ truyền thống, phát huy vai trò của nghệ nhân dân gian ở các địa phương, tham gia giáo dục văn hóa truyền thống lồng ghép giảng dạy cho học sinh ở các trường học. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như tổ chức biên soạn tin, bài tiểu phẩm bằng nhiều tiếng dân tộc, tập trung tuyên truyền, cổ động trực quan.
Văn hóa Hà Giang có những nét riêng mà ít nơi nào có được. Điều đáng mừng là nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn đang được gìn giữ và phát huy, không chỉ phản ánh lịch sử lâu dài mà còn gắn liền với đặc trưng của các dân tộc thiểu số sinh sống tại đây. Dưới góc nhìn của các chuyên gia, những giá trị này thực sự là tài nguyên quý giá.
Với chủ trương là lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa, thời gian qua Hà Giang nỗ lực tăng cường đầu tư cho văn hóa và du lịch. Trong đó, xác định vấn đề bảo tồn văn hóa xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, khơi dậy giá trị văn hóa để phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch là những nhiệm vụ quan trọng nhất của tỉnh địa đầu cực Bắc này.
Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, thời gian tới Hà Giang xác định tăng cường tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa, từng bước tham gia quản lý, khai thác các lợi ích kinh tế từ du lịch. Trong những tháng đầu năm 2025, Hà Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh khu vực phía Bắc và thành phố Hồ Chí Minh, liên kết các hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Dự kiến, ba tháng đầu năm 2025, Hà Giang sẽ đón hơn 1,5 triệu lượt khách. Trong điều kiện một tỉnh còn khó khăn, việc Hà Giang mạnh dạn chọn hướng đi dựa trên giá trị bản sắc văn hóa để phát triển du lịch bước đầu gặt hái được quả ngọt, tạo nên sinh kế bền vững cho cộng đồng.
Hà Giang có khách sạn 5 sao đầu tiên VTV.vn - Four Points by Sheraton ra mắt khách sạn thứ ba tại Việt Nam và cũng là khách sạn đầu tiên được quản lý và vận hành bởi Marriott International tại Hà Giang.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!